Biển Đông có trữ lượng băng cháy khá lớn
Băng cháy là nguồn năng lượng khổng lồ. |
PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Cư, Chủ tịch Trung ương Hội KHKT Biển VN, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo VN đã chia sẻ thông tin về lĩnh vực này.
Xin ông cho biết thêm thông tin về năng lượng mới băng cháy này?
PGS. TSKH Nguyễn Ngọc Cư: Băng cháy (còn gọi là đá cháy), có tên khoa học là Methane clathrate, hình thành từ các loại khí thiên nhiên như methane, ethane, propan và nước trong điều kiện áp suất cao trên 30 atm và nhiệt độ thấp dưới 0 độ C. Băng cháy thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu ít nhất từ 300m trở lên, các đảo ngầm đại dương và ở các vùng băng vĩnh cửu, dưới dạng thể rắn giống như những trái banh tuyết nhỏ. Trong nhiệt độ bình thường chúng tan biến rất nhanh giống như tuyết, chỉ cần một tia lửa là bốc cháy dễ dàng.
Hiện nay đã có hơn 90 nước trên thế giới tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. Hiện Hàn Quốc, Canada đã xác định khai thác thử nghiệm băng cháy, còn Nhật Bản cũng xác định thời gian bắt đầu khai thác là năm 2018. Theo tính toán của các chuyên gia thì toàn bộ khu vực Biển Đông đứng thứ 5 châu Á về băng cháy và Việt Nam là quốc gia có trữ lượng băng cháy khá lớn.
Làm thế nào để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng băng cháy này, thưa ông?
Việc khai thác và sử dụng băng cháy sao cho an toàn, hiệu quả đang là vấn đề đau đầu của các nhà khoa học, chẳng khác gì việc chế ngự năng lượng hạt nhân. Nếu không khống chế tốt thì methane và dioxit carbon tạo ra khi băng cháy phân huỷ lại là nguồn thúc đẩy hiệu ứng nhà kính ghê gớm. Khó khăn nảy sinh ở đây là làm sao tạo được hệ thống đường ống dẫn và tập trung khí methane khi băng cháy phân hủy (bằng cách giảm áp là kinh tế nhất).
Được biết Trung Quốc đã nghiên cứu băng cháy ở Biển Đông và tuyên bố có trữ lượng băng cháy rất lớn, thưa ông?
Theo công bố của Trung Quốc thì nước này đã tìm thấy băng cháy ở Bắc Biển Đông, với trữ lượng ước tính khoảng 19,4 tỷ m3. Trung Quốc có tham vọng khai thác băng cháy trên Biển Đông, dự kiến sẽ bắt đầu trong vòng 3 năm tới.
Trung Quốc cũng dự kiến khai thác thương mại hóa băng cháy vào khoảng năm 2030, nhằm đối phó với nhu cầu năng lượng đang tăng cao của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Hiện Trung Quốc nhập gần 60% nhu cầu dầu thô của mình, trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, xét về số lượng, chỉ xếp sau Mỹ. Đối với khí đốt tự nhiên, lượng nhập khẩu đã lần đầu tiên vượt mức 30% vào năm 2013. Băng cháy cũng dự kiến sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi từ năng lượng than sang khí tự nhiên. Than chiếm gần 70% lượng tiêu thụ năng lượng cơ bản của Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc là một trong số ít các nước trên thế giới có tham vọng lớn về tài nguyên này.
Vậy Việt Nam đã quan tâm đến nguồn năng lượng băng cháy ở Biển Đông như thế nào?
Vấn đề nghiên cứu và khai thác băng cháy trên Biển Đông cũng được các nhà khoa học quan tâm từ lâu tại Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra 4 vùng dự kiến để đánh giá tiềm năng băng cháy, đó là quần đảo Hoàng Sa và kế cận, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa và kế cận.
Từ năm 2007, Việt Nam đã có Đề án tổng thể 47 về Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường Biển Đông, trong Đề án này có một chương trình là "Nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng băng cháy trên Biển Đông" (vùng biển Việt Nam). Năm 2013, đã bắt đầu tiến hành đề tài "Nghiên cứu, điều tra, đánh giá và khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng băng cháy ở các vùng biển Việt Nam" và có được kế hoạch khá chi tiết những việc cần làm.
Chương trình nghiên cứu về băng cháy tại Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn: Từ 2007 - 2015, tập trung nghiên cứu về tính chất, quá trình hình thành, đặc điểm phân bố của băng cháy, điều tra và nghiên cứu về công nghệ, thăm dò, khai thác băng cháy, khoanh định các khu vực có triển vọng về băng cháy... Từ 2015 - 2020, sẽ đánh giá thăm dò băng cháy trên những vùng có triển vọng tại các vùng biển và thềm lục địa của nước ta.
Theo ông, lý do tại sao các hoạt động này có thể kéo dài và chậm trễ như vậy?
Việc khai thác được băng cháy sẽ giúp cho Việt Nam giải quyết được những khó khăn về nguồn năng lượng trong tương lai. Nhưng để tìm kiếm, thăm dò và khai thác băng cháy là một vấn đề rất khó khăn và tốn kém trong giai đoạn hiện nay. Không riêng gì nước ta mà các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến để khai thác sử dụng được băng cháy vẫn là vấn đề khó khăn, phức tạp, cho đến nay còn đang trong quá trình thăm dò khai thác thử nghiệm, chi phí đầu tư lớn. Đến nay có thể nói, chưa có nước nào khai thác băng cháy ở qui mô công nghiệp.
Việt Nam có thể liên kết với các nước có công nghệ và phương tiện hiện đại để rút ngắn lộ trình tìm kiếm, khai thác băng cháy?
Đúng như vậy. Chỉ có liên kết, hợp tác như vậy cùng với sự đầu tư và quan tâm của Nhà nước thì lộ trình tìm kiếm và khai thác băng cháy ở Việt Nam mới được rút ngắn và sớm mang lại hiệu quả, mở ra hy vọng thay thế nguồn dầu khí của chúng ta trong tương lai.
Hiện nay, theo thỏa thuận, chúng ta đã hợp tác với Nga, là nước có kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu băng cháy với quy trình nghiên cứu khá phù hợp với Việt Nam để nghiên cứu và tìm kiếm nguồn băng cháy, song song với tìm kiếm nguồn dầu khí. Theo tôi, việc chọn các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc để hợp tác trong lĩnh vực này cũng là những giải pháp mà Việt Nam cần xem xét và sớm xúc tiến.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!