Bí quyết ôn tập môn Toán lớp 10: Những dạng bài dễ bị mất điểm cần lưu ý
Hiện nay, học sinh khối 9 toàn quốc đang trong giai đoạn "nước rút" khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra.
Tìm hiểu bí quyết ôn tập và những lưu ý khi làm bài thi môn Toán vào lớp 10 ở Hà Nội, PV Infonet đã có cuộc trao đổi cùng thầy Bùi Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán trường THCS Trưng Vương (Hà Nội).
Thầy Bùi Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán trường THCS Trưng Vương. |
PV: Qua một số kỳ thi vào lớp 10, nhiều em học sinh chia sẻ trong đề thi Toán, có một số dạng bài “ăn điểm” nhưng các thí sinh rất hay mắc lỗi. Thầy có lưu ý gì với các em học sinh sắp chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng này?
Thầy Bùi Mạnh Tùng: Trong đề thi, có một số phân vùng mà các em học sinh dễ bị sơ suất và mất điểm đáng tiếc, chủ yếu do chủ quan, trình bày sơ sài hoặc chưa xem xét kĩ các điều kiện cụ thể của bài toán. Các em cần lưu ý:
Thứ nhất, biểu thức chứa căn bậc hai
Mọi giá trị của biến x khi thay vào biểu thức, hoặc khi tìm ra nhằm thỏa mãn yêu cầu bài toán, đều phải xét thỏa mãn Điều kiện xác định cho trước.
Thứ hai, bài toán thực tế
- Khi đặt ẩn phải có đầy đủ điều kiện và đơn vị.
- Các biểu thức đại số khi thành lập phải dựa trên căn cứ trong đề bài (bằng lời văn)
- Các biểu thức đều phải có đơn vị
- Cần hết sức chú ý các yếu tố nhanh - chậm, hơn - kém, trước - sau, chung - riêng khi lượng hóa thành biểu thức và phương trình.
- Xác định rõ các yếu tố trong bài hình học thực tế tương ứng với các đại lượng trong công thức tính toán như thế nào trước khi áp dụng công thức.
- Việc xấp xỉ và lấy kết quả cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu trong đề bài. Lưu ý chỉ lấy xấp xỉ / gần đúng ở bước tính cuối cùng.
Thứ ba, hệ phương trình
- Chú ý điều kiện xác định.
- Hệ phương trình của ẩn phụ không tương đương với hệ phương trình ban đầu.
- Làm rõ bước thế / bước cộng đại số.
Thứ tư, phương trình bậc hai, đường thẳng và parabol
- Xác định đúng phương trình hoành độ giao điểm.
- Ko nhầm lẫn giữa các yếu tố hình học (giao điểm, cắt nhau v.v) với các yếu tố đại số (số nghiệm, delta...)
Thứ năm, hình học phẳng
- Đặc biệt chú ý vận dụng đúng các tính chất, dấu hiệu nhận biết của tứ giác nội tiếp (tổng kết ở trng 101, 102, 103 SGK toán 9 tập 2).
- khi sử dụng những kiến thức ngoài nội dung sách giáo khoa nêu chính thức, cần có lí giải và chứng minh.
PV: Theo thầy, sĩ tử nên bố trí thời gian học cùng với việc luyện đề thế nào cho hiệu quả? Liệu có phải ''cứ cắm đầu luyện nhiều đề là điểm cao''?
Thầy Bùi Mạnh Tùng: Bố trí tời gian học là việc làm có vai trò rất quan trọng trong quá trình ôn tập của các em học sinh. Các em cần xác định giai đoạn ôn tập "về đích" này, việc bố trí thời gian biểu khoa học để đảm bảo sức khỏe là rất cần thiết.
Thầy Tùng cùng học sinh. |
Các em không được thức quá khuya, không nên học liên tục trong thời gian quá dài mà cần có các hoạt động bổ trợ xen kẽ để cân bằng cả thể chất và tinh thần, đảm bảo trạng thái tốt nhất cho ngày thi. Bên cạnh đó, việc luyện đề một cách khoa học đóng vai trò cực kì quan trọng.
Chắc chắn giai đoạn này ở các lớp học, các thầy cô đã cho các em luyện nhiều đề tổng hợp, mô phỏng đề thi chính thức mà các em chuẩn bị đối mặt. Việc bấm thời gian và làm các đề này là một sự chuẩn bị, tập dượt rất cần thiết cho các em.
Bởi trong thực tế phòng thi, ngoài kiến thức và năng lực đóng vai trò quyết định, thì những yếu tố ngoài chuyên môn khác như tâm lí, quản lí và phân bố thời gian, dàn trang bố trí trình bày trên giấy thi... cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả.
Những yếu tố đó có thể được tập dượt, cải thiện nhiều qua việc luyện đề. Mặc dù vậy, để việc luyện đề có hiệu quả tốt nhất, các em cần đảm bảo 4 yếu tố sau:
- Không làm quá nhiều đề. Sau mỗi đề thi, cá em cần có thời gian để xem xét, nghiền ngẫm lại, rút kinh nghiệm những chỗ chưa ổn, ôn tập lại những nội dung chưa vững. Đó mới là ý nghĩa thực sự của việc luyện đề. Trong 1 tháng cuối cùng, các em nên làm khoảng 15 - 20 đề là hợp lí.
- Lựa chọn đề có chất lượng tốt, mô phỏng đúng cấu trúc và mức độ của đề thi chính thức. Việc làm những đề có nội dung ngoài phạm vi đề thi, quá khó hoặc quá dễ, quá dài hoặc quá ngắn... đều khiến cho việc tập dượt, đo lường, rút kinh nghiệm bản thân mất đi ý nghĩa.
- Nên có thầy cô trực tiếp đánh giá bài thi thử của mình, hoặc dựa vào đáp án chấm chính thức dành cho giáo viên. Các em không tự đánh giá theo cảm tính của mình.
- Tham khảo đề chính thức của các năm trước đã thi. Đây là 1 nguồn tư liệu mở, rất chuẩn mực và có giá trị tham khảo cao, bởi mỗi đề chính thức luôn là sản phẩm của 1 ủy ban chuyên môn rất uy tín và có những yêu cầu làm việc khắt khe.
PV: Điều thầy muốn nhắn nhủ với sĩ tử trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới là gì?
Thầy Bùi Mạnh Tùng: Có một điều khá thú vị đối với phân môn đại số trong đề thi, đó là hầu hết các câu hỏi đại số, bài toán thực tế đều có thể kiểm nghiệm lại kết quả tìm được khi thử lại trực tiếp vào đề bài. Các em hãy dành một chút thời gian rất ngắn thôi để làm điều đó.
Thực sự đáng tiếc nếu mình biết cách làm bài, có kiến thức nhưng lại rút gọn sai chỉ vì nhầm 1 dấu, lập phương trình sai chỉ vì đọc nhầm 1 dữ kiện, đặt ẩn phụ sai chỉ vì chuyển vế nhầm v.v tất cả những lỗi đó đều có thể phát hiện được ngay khi các con thử lại kết quả. Đừng chỉ kiểm tra lại bài, hãy thử lại kết quả.
Vẽ hình ra nháp trước khi vẽ vào bài thi. Việc này không làm mất của các em nhiều thời gian, nhưng sẽ giúp các em căn chỉnh hình vẽ của mình thật ưng ý khi vẽ vào bài thi. Đôi khi việc vẽ hình thành công, rõ ràng, bố cục đẹp đã giúp các em đi được 25% bài hình rồi.
Chúc các em sức khỏe, bình tĩnh, tin ở bản thân mình, và gặp nhiều may mắn!
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh