Bí mật về ‘Pháo đài bệnh dịch’ ở Kronstadt của Nga
“Pháo đài bệnh dịch” nằm trên một hòn đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam của đảo Kotlin, nó từng là một trong những công trình phòng thủ quan trọng của thành phố Kronstadt. Pháo đài bị bỏ hoang này được biết đến với những sự kiện diễn ra khoảng 100 năm trước, khi một trung tâm thí nghiệm bí ẩn được xây dựng tại đây.
Sau khi thành lập thành phố St.Petersburg vào năm 1703, việc xây dựng một số pháo đài để bảo vệ thành phố được bắt đầu. Những pháo đài này được đặt trên bờ biển Vịnh Phần Lan của Biển Baltic để bảo vệ thành phố và các vùng lãnh thổ xung quanh.
Những pháo đài này đã tạo thành một lá chắn gần như bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công từ biển của kẻ thù. Chỉ trong hai thập kỷ, Nga đã xây dựng hơn 40 pháo đài nằm rải rác từ bờ biển phía Nam tới bờ biển phía Bắc của Vịnh Phần Lan.
Năm 1838, Hoàng đế Nga Nicholas I quyết định xây dựng pháo đài “Alexander I” để tăng cường phòng thủ ở các cửa ngõ phía Nam của St.Petersburg.
“Pháo đài bệnh dịch” chưa bao giờ tham gia vào các cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Krym, nó đã có công lớn trong việc bảo vệ căn cứ hải quân Nga khỏi hạm đội Anh và Pháp. Do vị trí chiến lược và hiện đại hóa kịp thời, pháo đài đã không cho phép hạm đội Anh-Pháp tiến vào Vịnh Phần Lan và đổ bộ vào thành phố Kronstadt.
Vào cuối thế kỷ 19, các công trình của pháo đài rơi vào tình trạng hư hỏng. Vì lý do này, pháo đài và một số pháo đài khác đã bị rút khỏi tuyến phòng thủ của Kronstadt. Kể từ đó, một số sự kiện đã diễn ra khiến pháo đài “Alexander I” có biệt danh đáng sợ: “Pháo đài bệnh dịch”.
Một trận dịch hạch nguy hiểm đã bùng phát ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào năm 1894. Căn bệnh này nhanh chóng lây lan qua các khu vực đô thị đông dân cư trên khắp thế giới. Tổng số người chết lên tới gần 100.000.
Năm 1896, bệnh dịch hạch lan sang vùng Caspi và đến biên giới nước Nga. Chính quyền cần phải tiến hành nghiên cứu để tìm kiếm một “thuốc giải độc”. Biệt lập với thế giới bên ngoài, pháo đài “Alexander I” là nơi lý tưởng để bố trí một phòng thí nghiệm chế tạo thuốc chống lại bệnh dịch.
Năm 1897, pháo đài được chuyển giao cho Viện Y học Thực nghiệm Hoàng gia quản lý. Trong pháo đài, các nhà khoa học đã thành lập một trung tâm thử nghiệm có tên là “Ủy ban đặc biệt về phòng chống lây nhiễm bệnh dịch hạch trong trường hợp xuất hiện ở Nga” (KOMOCHUM), mục đích là nghiên cứu ra các phương pháp chữa trị cho bệnh dịch. Người đứng đầu và nhà tài trợ chính của phòng thí nghiệm này là Oldenburgsky.
Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, một số bác sĩ đã chết. Cư dân của thành phố Kronstadt thậm chí còn sợ hít phải gió thổi từ phía pháo đài. Đó là thời điểm nó bắt đầu được gọi là “Pháo đài bệnh dịch”.
Việc xâm nhập vào pháo đài bị hạn chế nghiêm ngặt. Liên lạc với thế giới bên ngoài chỉ được duy trì thông qua một chiếc thuyền hơi nhỏ. Điện báo và đường dây điện thoại đã được sử dụng Để liên lạc với thành phố St.Petersburg và Kronstadt.
Nhìn từ bên ngoài, “Pháo đài bệnh dịch” có hai tầng, nhưng bên trong thực sự có ba tầng. Tòa nhà được chia thành hai khu, mỗi khu có cầu thang riêng, một bằng đá, một bằng thép. Khu bên phải của tòa nhà được coi là nơi bệnh dịch dễ lây lan và nguy hiểm cho con người.
Khu bên trái không có bất kỳ mối đe dọa nào. Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ và sự thận trọng cao độ, bệnh dịch vẫn bùng phát hai lần bên trong pháo đài. Trong “Pháo đài bệnh dịch”, các thí nghiệm đã được thực hiện trên những động vật như dê, bò, ngựa, thỏ, khỉ, lạc đà và hươu. Pháo đài cũng có một nhà máy điện, một phòng hỏa táng chất thải và xác chết.
Các thí nghiệm trong “Pháo đài bệnh dịch” chỉ dừng lại khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Hầu hết các nhà khoa học đều nhập ngũ trong lực lượng dự bị quân sự, sau đó được biên chế vào các đơn vị chiến đấu.
Năm 1917, người đứng đầu dự án, Oldenburgsky, bị sa thải. Tất cả hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học ở “Pháo đài bệnh dịch” đã được chuyển đến viện nghiên cứu chống bệnh dịch hạch đầu tiên của Nga “Microbe”, các mẫu thí nghiệm được đưa đến thành phố Saratov.
Sau năm 1917, pháo đài chính thức thuộc về hạm đội Nga, bị biến thành nhà kho và xưởng sửa chữa. Từ năm 1983, pháo đài đã bị bỏ hoang. Mãi đến năm 2005, pháo đài mới được cải tạo, tuy nhiên phải đến năm 2007, các nhà đầu tư mới chi hàng triệu USD để biến pháo đài thành một điểm thu hút khách du lịch. Khách du lịch đến đây để xem những công trình kiến trúc kỳ lạ, ô tô và những căn hầm bí ẩn. Ngoài ra, pháo đài cũng là một địa điểm quay phim cho các bộ phim truyền hình.
Một dự án đã được phát triển để biến pháo đài thành một khu phức hợp giải trí, nhưng ý tưởng này đã không được thực hiện. Vào mùa đông, khi Vịnh Phần Lan đóng băng, pháo đài trở thành một nơi dễ dàng tiếp cận và nhiều người đến thăm pháo đài để tìm cảm giác mạnh.
Hạ Thảo (lược dịch)