Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính “đeo bám” người hút thuốc lá suốt đời
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian, bệnh kéo dài cho đến suốt quãng đời còn lại kể từ khi bệnh nhân phát bệnh.
Theo thống kê, trên toàn thế giới, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ảnh hưởng đến 329 triệu người, gần 5% dân số trên trái đất.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu. Số ca tử vong được dự đoán là sẽ tăng lên do tăng tỷ lệ hút thuốc và do dân số già đi ở nhiều nước.
Thống kê sơ bộ trong cộng đồng dân cư của cả nước từ 40 tuổi trở lên là 4,2%. Trong đó, nam chiếm 7,1%, nữ: 1,9%; khu vực nông thôn: 4,7%, thành thị 3,3%, miền núi 3,6 %; miền Bắc: 5,7%, miền Trung: 4,6%, miền Nam: 1,9%. Dựa trên số liệu này đã ước tính ở nước ta có khoảng 1,3 triệu người mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần chẩn đoán và điều trị.
Riêng tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện điều trị và quản lý hơn 230 trường hợp mắc bệnh Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bê – Trưởng khoa Khám – Cấp cứu Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk cho biết: Khoa đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị BPTNMT do hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng từ việc hít phải khói thuốc lá thường xuyên.
Điển hình là bệnh nhân Trần Thị Ngần (SN 1944, trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), bệnh nhân Ngần nhập viện điều trị rất nhiều lần, trung bình mỗi năm nhập viện 5-6 lần.
Bản thân bệnh nhân đã mắc bệnh BPTNMT, nhưng trong gia đình bệnh nhân có chồng hút thuốc lá rất nhiều làm cho bệnh tình của bệnh nhân tái phát thường xuyên, bệnh ngày một nặng hơn và hầu như giai đoạn để phục hồi không có nữa.
“Với những bệnh nhân bị bệnh BPTNMT mà sống trong môi trường có khói thuốc lá thì càng làm tăng nguy cơ bệnh tái phát nặng hơn”, Bác sĩ Nguyễn Thị Bê cảnh báo .
Nằm viện điều trị đã nhiều năm tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk, ông Võ Ba (SN 1953, trú tại phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi hút thuốc lá từ năm 12 tuổi, đến nay tôi đã hút thuốc trên 50 năm. Ngày đổ bệnh, tôi vào nhập viện mới biết phổi mình bị hủy hoại nặng nề. Tôi không thở được, phải thở khí dung mới đỡ. Bây giờ, cứ nửa tháng tôi lại phải vào viện điều trị một lần, khổ sở vô cùng.
“Là một người hút thuốc lá kinh niên, tôi khuyến cáo những người đã và đang hút thuốc hãy bỏ ngay thuốc lá bởi tác hại của thuốc lá rất khiếp khủng”, ông Ba nhấn mạnh.
Theo Bác sĩ RMah Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Lao Đắk Lắk: Quá trình tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị BPTNMT, chúng tôi nhận thấy hầu hết các bệnh nhân đều có tiền sử hút thuốc lá rất nhiều, trung bình một ngày họ hút 1-2 gói là bình thường. BPTNMT rất nguy hiểm, bởi trên thế giới hiện nay chưa có một phác đồ điều trị nào trị khỏi bệnh này, nếu đã mắc bệnh này thì không thể nào chữa trị khỏi hoàn toàn, chỉ có thể hỗ trợ người bệnh điều trị, làm giảm các triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi và phòng ngừa tái phát đợt cấp, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Bác sĩ RMah Lương cho biết thêm: Khói thuốc lá chứa hơn 40.000 hợp chất, trong đó có khoảng 200 loại chất gây độc hại trực tiếp, chất gây nghiện và gây ung thư. Nhưng không chỉ thuốc lá thông thường mới độc cho cơ thể; một số người chuyển sang hút thuốc lá điện tử tưởng sẽ an toàn nhưng thật ra thuốc lá điện tử cũng chứa nicotin lỏng, dù đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, song nhiều cơ quan quản lý và chuyên gia y tế vẫn chưa biết chắc về mức độ an toàn thực sự của thuốc lá điện tử. Bởi chưa ai biết tất cả những thành phần được sử dụng trong thuốc lá điện tử cũng như thiếu sự cam kết của các nhà sản xuất về độ an toàn của sản phẩm. Điều này có nghĩa là người sử dụng không thể biết chính xác hóa chất mà họ hít vào là những gì.
“Để bỏ được thuốc lá, tốt nhất người hút phải có ý chí quyết tâm muốn bỏ thuốc lá, còn thuốc hỗ trợ cho quá trình bỏ thuốc lá chỉ là một phần nào đó”, bác sĩ RMah Lương nhấn mạnh.
Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy…
Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn biến của bệnh âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì cho người bệnh, chỉ đến khi thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm cao hay làm việc quá sức thì bệnh mới bắt đầu phát tác. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động, không thể tự chăm sóc bản thân.