Bệnh nhân miền núi vẫn được chuyên gia của BV Việt Đức khám hàng tuần
Ngày 04 tháng 9 năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khai trương và chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth Center) thuộc Dự án “Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020 – 2025”.
Với thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án Khám chữa bệnh từ xa sẽ hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giúp người dân được sử dụng chất lượng dịch vụ y tế ngay tại bệnh viện tuyến cơ sở.
Ảnh khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. |
Ngay sau buổi lễ khai trương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với sự tham gia của các đồng nghiệp tại các điểm cầu. Chương trình cũng sẽ được livestream trực tiếp trên Fanpage của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo GS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện từ 15 năm trước. GS Giang cho biết trong dự án tăng cường các BV vệ tinh từ năm 2004 trong đề án giảm tải BV Việt Đức. BV đã kết nối với 6 bệnh viện vệ tinh ở đồng bằng, trung du Bắc bộ để nâng cao trình độ chuyên môn y tế các địa phương để người bệnh không phải lên Hà Nội.
Ca đầu tiên thực hiện từ năm 2006 giữa các bác sĩ của BV Việt Đức với Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
Từ đầu năm 2020 khi có dịch Covid-19 xảy ra thì việc đào tạo bị dừng lại nhưng tại Trung tâm chỉ đạo tuyến của BV Việt Đức vẫn được tổ chức với 80 buổi đào tạo qua hệ thống Telamegaxin.
Đây là hệ thống tư vấn khám chữa bệnh, tư vấn phẫu thuật. Điều này giúp xoá nhoà ranh giới của các bệnh viện tuyến trên với bệnh viện vùng sâu, vùng xa. Lần đầu tiên, nhiều bà con,người bệnh ở miền núi được đưa ra tư vấn chẩn đoán với các chuyên gia hàng đầu mà từ trước tới nay họ không biết hoặc chỉ biết qua tivi – GS Giang cho biết.
GS Giang cho rằng với mô hình khám chữa bệnh này hoàn toàn đúng đắn, từ 23 điểm cầu đến nay có hơn 100 bệnh viện đăng ký điểm cầu để được các chuyên gia của BV Việt Đức hướng dẫn, tư vấn.
Từ vấn KCB từ xa bắt đầu từ thế kỷ 20 khi có sóng Radio. Hiện nay với khoa học kỹ thuật phát triển thì hệ thống tư vấn khám chữa bệnh qua hệ thống màn hinh 3 D giúp thầy thuốc nhìn thấy hình ảnh như thật trong phòng mổ, phát triển của công nghệ giúp khoảng cách y tế của các địa phương gần nhau hơn.
Lần đầu tiên hệ thống truyền dẫn cần hơn 1 tuần với hơn 100 nhân viên kỹ thuật mới có thể đảm bảo được hệ thống thông suốt còn hiện tại thì không cần như vậy mà tất cả đều tự động. Hệ thống truyền 3D đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
GS Giang cho biết ngoài việc tư vấn hỗ trợ ở trong nước, BV Việt Đức đã tổ chức các ca mổ với các đồng nghiệp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Qua đó, Việt Nam giới thiệu được bạn bè quốc tế trình độ thầy thuốc của chúng ta và đã được đánh giá rất cao.
GS Giang cho biết hệ thống sẽ tạo ra thế giới phẳng trong hệ thống y tế thậm chí kể cả trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã cũng có thể hỏi các chuyên gia từ Hà Nội, TP.HCM hoặc chuyên gia từ nước ngoài.
Hiện tại, hàng tuần vào thứ 6, các chuyên gia của BV Việt Đức sẽ hội chẩn qua Telemedicine với các bệnh viện và thứ 3 dành cho điều dưỡng về chăm sóc bệnh nhân như thế nào.
Khánh Chi