Bê tông, nhựa hóa đường giao thông nông thôn huyện biên giới, tai nạn giảm rõ rệt
Hàng trăm km đường giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa rải đều trên địa bàn huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) giúp người dân đi lại dễ dàng, giảm tai nạn giao thông, lưu thông hàng hóa được thuận lợi.
Đường bê tông, đường nhựa gần phủ kín xã trung tâm vùng biên
Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn - cú đột phá ở huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. |
Trong vài năm qua, trên địa bàn huyện Tuy Đức đã không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở vùng biên giới heo hút này.
Tại xã Đắk Búk So (nằm trong khu vực trung tâm của biên giới huyện Tuy Đức), thời gian qua phong trào tình nguyện hiến đất, ngày công... làm đường giao thông nông thôn đã trở thành cao trào.
Theo thống kê của UBND xã Đắk Búk So, đến tháng 8/2021, hơn 60% trục đường chính liên xã đã được cứng hóa, trục đường liên thôn hơn 70%; đường làng, ngõ xóm gần 80%. Hơn 70km đường giao thông nông thôn trên toàn xã được bê tông hóa.
Chị Nguyễn Thị Hoa - người dân sinh sống lâu năm ở xã Đắk Búk So cho biết, trước đây xã này nổi tiếng là vùng heo hút chẳng ai muốn vào vì đường sá đi lại quá khó khăn, nhưng nay nhờ các tuyến đường được đầu tư bài bản nên việc giao thương hàng hóa trở nên dễ dàng, tai nạn giao thông cũng không còn xảy ra nhiều như trước nữa.
“Ngày trước nếu người dân đi xe máy thì phải cuốn thêm xích xe đạp vì tai nạn giao thông luôn rình rập. Đặc biệt vào mùa mưa, người tham gia giao thông bị tai nạn như cơm bữa vì đường đất đỏ, trơn trượt. Hiện nay khi đường sá được đầu tư bài bản từ trong thôn/buôn, việc đi lại buôn bán của bà con rất thuận lợi, Đắk Búk So ngày càng đổi mới, kinh tế vững mạnh thêm từng ngày, hàng hóa người dân sản xuất ra được các thương lái vào tận nơi thu mua…”, chị Hoa cho hay.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết, khi chính quyền đề ra chủ trương làm đường giao thông nông thôn thì ngay lập tức được bà con nhân dân đón nhận và ủng hộ nhiệt tình, đóng góp to lớn.
Theo ông Anh, dù đường sá chưa được 100% bê tông, nhựa hóa nhưng trong năm nay địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành hệ thống đường giao thông nông thôn theo chỉ tiêu đề ra. Việc có một hệ thống đường giao thông thuận lợi đã làm giảm tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn, đồng thời giúp cho địa phương phát triển kinh tế.
“Thời gian qua, được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp về công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, xã Đắk Búk So đã cơ bản có một hệ thống đường giao thông tốt giúp bà con đi lại dễ dàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng rất thuận lợi”, ông Anh cho hay.
Cú đột phá bất ngờ ở Quảng Trực
Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn - cú đột phá ở huyện vùng biên giới Tuy Đức |
Tại xã Quảng Trực (là xã rộng nhất tỉnh Đắk Nông có đường biên giới giáp Campuchia), trước đây cuộc sống người dân vô cùng khó khăn vì hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất, đến mùa mưa thì lầy lội mà mùa nắng thì bụi bay mù trời, việc đi lại giao thương cực kỳ khó khăn, kéo theo hạn chế trong phát triển kinh tế.
Từ trung tâm huyện Tuy Đức đi vào trung tâm xã Quảng Trực, quãng đường chỉ hơn chục cây số nhưng phải mất mấy tiếng đồng hồ mới vào tới nơi nếu gặp trời mưa.
Trước tình hình trên, chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn cho địa phương này, hàng chục km đường nhựa, bê tông được nối đến từng thôn, bon khiến cho người tham gia giao thông được an toàn, không còn bị tai nạn xảy ra trên các tuyến đường như những ngày trước, việc giao thương hàng hóa cũng thuận lợi hơn giúp cho xã vùng biên giới này ngày càng phát triển.
Đến giữa tháng 8/2021, thống kê của xã Quảng Trực cho thấy đã có hơn 76/99km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa hóa, đổ bê tông. Đây là sự cố gắng vượt bậc của chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã này.
Ông Điểu Huy sống ở xã Quảng Trực mấy chục năm nay. Ông kể, trước đây dân cư trên đia bàn xã này chủ yếu là người đồng bào M’Nông, nhưng mấy năm qua do đường giao thông được đầu tư mạnh, việc đi lại cũng rất thuận lợi nên nhiều thành phần dân tộc khác cũng vào vùng đất này làm ăn, sinh sống.
“Những năm trước đường đi vào xã Quảng Trực nếu gặp phải trời mưa thì lầy lội, đi bằng xe máy khó mà vào tới nơi, có thể phải đi đường vòng, thậm chí ra đường là gặp tai nạn vì đường trơn trợt. Người không quen hay không sống ở đây thì không thể vào xã được. Hiện nay, do được đầu tư xây dựng đường bê tông, nhựa hóa ở các tuyến đường liên xã, thôn, bon sạch làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời tạo thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của bà con..”, ông Điểu Huy cho hay.
Theo thống kê từ UBND huyện Tuy Đức, toàn huyện biên giới này đã cứng hóa được hơn 362km đường giao thông, bằng khoảng 51% tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn (không tính quốc lộ 14C).
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, trước đây hạ tầng giao thông của huyện chưa có sự kết nối giữa các thôn/bon trong xã và các xã trong huyện. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành và sự đồng lòng của bà con nhân dân nên huyện đã tập trung các nguồn vốn, huy động các nguồn lực xã hội khác để nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông.
“Nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo động lực to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương. Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn giao thông. Đồng thời việc đi lại thuận tiện thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển du lịch, nông nghiệp, qua đó phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, ông Ẩn chia sẻ thêm.
Công ty Điện lực Đắk Nông nỗ lực xây dựng vì sự phát triển kinh tế xã hội địa phương
Trong 15 năm qua cùng với việc nỗ lực lao động, sản xuất kinh doanh hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao, Công ty Điện lực Đắk Nông (PC Đắk Nông) còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hải Dương