Bế tắc khi con tuổi 'ẩm ương' trộm tiền mua đồ lấy lòng bạn
Từ lúc con gái chị Ngọc dậy thì cháu bắt đầu biết lấy trộm tiền của mẹ tiêu mà chủ yếu là mua quà vặt và cho bạn để lấy lòng... Tình trạng này tái diễn liên tục dù bố mẹ đã nhẹ nhàng giải thích, răn đe.
Chị Minh Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết bé gái lớn năm nay 12 tuổi. Từ nhỏ cháu rất hiếu động, hoạt bát và thông minh, nhưng nhược điểm lớn nhất của cháu là thường mắc đi mắc lại những lỗi đã phạm phải dù đã bị răn đe cũng như phân tích giảng giải nhiều lần. Cháu khá hòa đồng và thân thiện với mọi người, trên lớp học hành luôn ở top đầu và cô giáo bạn bè đều yêu quý.
“Tuy nhiên thời gian một năm trở lại đây, lúc cháu chính thức dậy thì cháu bắt đầu có biểu hiện lấy tiền của mẹ tiêu. Mà chủ yếu là mua quà vặt và cho bạn để lấy lòng bạn. Một vài lần đầu em bắt được và cũng tìm cách phân tích nhẹ nhàng để bé hiểu cũng như thừa nhận lỗi lầm của mình, cháu khóc và tỏ ra rất ân hận.
Nhưng chỉ 1 thời gian ngắn con lại tái phạm. Lần sau bố cháu cũng chỉ răn đe chứ không dùng roi vọt gì nhưng chỉ được thời gian ngắn này cháu lại tiếp tục mắc lỗi.
Mẹ bế tắc không biết làm sao khi con dậy thì lấy trộm tiền mua đồ lấy lòng bạn |
“Hôm nay bố cháu rất giận và đã dùng roi để dạy cháu nhưng thực sự em không biết được mấy hôm? Sợ rằng rồi lại sẽ đâu vào đấy.
Em bế tắc quá. Đánh mắng nhiều thì sợ con tổn thương để lại sẹo tâm lý mà không quyết liệt thì lại vẫn như cũ. Giờ không biết phải làm sao để con bỏ được tính ăn trộm tiền?”, chị Ngọc buồn bã cho biết.
Rất đồng cảm với tình cảnh của chị Ngọc, cô giáo Nguyễn Phương Mai (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng con ngoan, học giỏi và ngoại giao tốt là rất tuyệt. Còn vấn đề lấy tiền, thì mẹ nên xem xét đến nhu cầu chính đáng hay không chính đáng của con mà cho con thêm tiền tiêu vặt, thêm sự trải nghiệm…
“Nhiều bố mẹ cứ nghĩ con không cần tiền tiêu nên không cho tiền, sợ con mua đồ ăn vặt ở trường không vệ sinh, phẩm màu.... Và hậu quả là con lấy trộm tiền để tiêu. Do đó, mẹ hãy cho con tiền tiêu vặt theo tuần để con tự cân đối chi tiêu”, cô Mai cho hay.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc phòng tâm lý Phúc Ngân, con gái mới bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, lúc này cần bố mẹ quan tâm sát sao hơn để nhận biết sự thay đổi của con.
Việc con lấy tiền của bố mẹ các bậc phụ huynh hãy tìm hiểu kỹ về vấn đề này, liệu cháu có đang cần tiền cho một việc gì đó mà không dám xin bố mẹ hoặc sợ bố mẹ phản đối mà không cho tiền nên cháu có làm liều như vậy không?
“Có thể cháu chưa ý thức được hành vi như vậy là xấu, hơn nữa bố mẹ cũng không quản lý tiền một cách cẩn thận cũng sẽ dễ tạo điều kiện cho cháu làm điều đó khi có dịp”, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay.
Thực ra việc con lấy tiền cũng không phải là chuyện xưa nay hiếm. Ở lứa tuổi này, trẻ có những nhu cầu phát sinh từ việc mua quần áo, đồ trang sức, ăn uống với bạn bè… trong khi tiền chi tiêu của trẻ lại hạn chế bởi bố mẹ sẽ không thể cho nhiều tiền. Vì vậy, khi có nhu cầu mà tiền không có thì con sẽ dễ nghĩ đến tình huống lấy tiền của người thân hoặc ai đó để sử dụng.
Vì vậy, trong lúc này đòi hỏi ở các bậc phụ huynh phải hiểu thật kỹ về tâm lý con, bình tĩnh để tránh những nóng nảy dẫn đến việc xung đột với con và gây ra những tổn thương không đáng có.
Nếu bố quá nóng tính thì mẹ sẽ là người nói chuyện với con, hỏi kỹ càng việc con sử dụng tiền với mục đích gì, tại sao con lại làm như vậy. Lắng nghe suy nghĩ của con để xem xét lý do của con như thế nào để có những biện pháp phù hợp.
Nếu con có những lý do chấp nhận được thì chị nên giúp con hiểu rằng dù bất cứ việc gì con cũng không nên tự lấy tiền mà nên hỏi ý kiến của cha mẹ, đó là những hành động xấu và dễ làm cho người khác có những đánh giá tiêu cực khi họ biết chuyện.
“Hãy nhớ là không nên sử dụng bạo lực với con cho dù bất cứ hình thức nào mà khuyến khích con tự suy nghĩ và tự rút ra kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng con chị vốn đã ngoan ngoãn và vâng lời thì cháu sẽ tự biết lỗi và thay đổi hành vi.
Bản thân anh chị cũng cần chú ý quản lý tiền bạc chặt chẽ hơn, để ý những nhu cầu của con vì con cũng đã lớn.
Ngoài ra, anh chị cũng không nên quá yêu chiều cháu mà có thể thỏa thuận để cháu làm thêm một số công việc phụ bố mẹ phù hợp và sẽ được trả công. Điều này sẽ khuyến khích con tham gia các công việc gia đình, đồng thời giúp con hiểu được giá trị của sức lao động và giá trị của đồng tiền và giám sát việc chi tiêu của con một cách hợp lý.
Điều quan trọng hơn hết, anh chị cần dành thời gian, sự quan tâm nhiều hơn cho con, quan sát, lắng nghe để hiểu và gần gũi với con hơn, từ đó có thể nắm bắt kịp thời những thay đổi tâm lý cũng như các hành vi khác lạ để tìm cách uốn nắn kịp thời”, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Vân nhấn mạnh.
N. Huyền
Mẹ trẻ 'hoảng loạn' xin tham vấn ứng phó với con gái dậy thì
Hơn 1 năm gần đây, con gái 13 tuổi của chị C.D thay đổi tính cách đến chóng mặt khi nhịn ăn “thách thức” với bố mẹ, mặt lúc nào cũng… câng câng và ở bẩn.