Dậy thì phải làm gì khi muốn 'yêu'?
Ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi), tuổi dậy thì phương pháp tránh thai tốt nhất là không quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục mà không giao hợp.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân nhập viện do bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ 2, đã cấp cứu và điều trị tại tuyến trước nhưng tình trạng khó thở ngày càng nặng lên.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 10 năm nay, thường uống 12 - 15 viên/tháng. Theo bác sĩ Phạm Quang Trình - khoa cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính do lạm dụng thuốc tránh thai.
Theo bác sĩ Trình, tắc mạch phổi (pulmonary embolism - PE) là một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó.
Ảnh minh hoạ |
Theo nghiên cứu của Alain Weill trong tạp chí BMJ 2016, trong số 100.000 phụ nữ sử dụng viên tránh thai trong một năm, ước tính có 33 phụ nữ sẽ bị thuyên tắc phổi.
Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, theo khuyến cáo không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần trong 1 chu kỳ kinh nguyệt.
Bác sĩ khuyến cáo, khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, chỉ nên dùng trong các trường hợp thật sự cần thiết.
Giải thích thêm về tác dụng của loại thuốc tránh thai này, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, cơ sở Thái Hà) cho biết, cơ chế tránh thai của thuốc là dùng lượng nội tiết liều cao để làm rối loạn quá trình rụng trứng trong cơ thể phụ nữ để tránh thai.
Tuy nhiên điều đáng ngại là loại thuốc tránh thai khẩn cấp này không chỉ được sử dụng cho những phụ nữ đã lập gia đình mà còn là “bảo bối” được giới trẻ thường xuyên sử dụng thay thế cho …bao cao su.
BS Dung cảnh báo, đây là một xu hướng hết sức nguy hiểm. Các tác dụng phụ có thể xảy ra ngay khi dùng thuốc như buồn nôn, chóng mặt, xuất huyết đột ngột hoặc kéo dài dẫn tới mất máu.
Ngoài ra, nếu sử dụng thuốc nhiều lần, sẽ làm cho thuốc “nhờn” mất tác dụng. Vì thế có hai hậu quả thường gặp của lạm dụng thuốc là dùng thuốc mà vẫn có thai, hoặc bị rối loạn kinh nguyệt do dùng thuốc quá nhiều.
Theo các bác sĩ, hiệu quả thực tế của thuốc chỉ đạt 75%, nếu dùng càng nhiều lần thì hiệu quả trong những lần sau càng giảm. Một nguyên nhân khác gây giảm hiệu quả thuốc là uống thuốc sau quan hệ quá 72 giờ, hoặc bị nôn mà không uống bù, dùng đồng thời với một số loại kháng sinh hay thuốc ngủ.
Nhiều bạn trẻ lo sợ có thai ngoài ý muốn, lại “quan hệ” thường xuyên, dùng thuốc này quá nhiều, về lâu dài sẽ gây hạn chế sự rụng trứng, dùng quá liều còn khiến teo niêm mạc tử cung, trứng không làm tổ được, dẫn tới vô sinh.
Làm thế nào để tránh thai an toàn đối với các bạn trẻ mới dậy thì?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Ths. BS Trần Anh Đức, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong quá trình tham gia rất nhiều buổi tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản tình dục tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội thì vấn đề quan hệ tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn luôn là mục tiêu mà các bác sĩ hướng tới.
Bởi trên thực tế kiến thức về sức khoẻ sinh sản về tình dục nói chung và tình dục an toàn nói riêng vẫn “xôi đỗ” đối với các em đang/đã bước vào tuổi dậy thì
“Chúng tôi thường nói với các em rằng ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) thì phương pháp tránh thai tốt nhất là không quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục mà không giao hợp.
Phương pháp tránh thai an toàn tiếp theo nếu quan hệ tình dục có giao hợp là sử dụng bao cao su.
Cuối cùng mới sử dụng đến là dùng thuốc tránh thai (hàng ngày và khẩn cấp). Tuy nhiên, đây là biện pháp “bất đắc dĩ” bởi các biện pháp dùng thuốc tránh thai về bản chất là thuốc nội tiết sẽ có nhiều nguy cơ trong đó có vấn đề về tim mạch – tắc mạch.
Gần đây nhất cũng có trường hợp dùng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần dẫn đến tình trạng tắc mạch phổi”, BS Anh Đức khuyến cáo.
N. Huyền
Teen đến viện cầu cứu vì loại thuốc rất nhiều bạn gái mới dậy thì uống 4 viên/tháng
Một tháng phải uống tới 4 lần thuốc tránh thai khẩn cấp, loại 1 viên cho mỗi lần, thiếu nữ 14 tuổi bị rong kinh phải đến viện cầu cứu bác sĩ.
Rối loạn 'đèn đỏ' tuổi dậy thì điều trị như thế nào?
Theo các bác sĩ hiện tượng rong kinh (kinh nguyệt kéo dài) là hiện tượng phổ biến ở nữ giới nhất là ở giai đoạn dậy thì.