Mẹ trẻ 'hoảng loạn' xin tham vấn ứng phó với con gái dậy thì
Hơn 1 năm gần đây, con gái 13 tuổi của chị C.D thay đổi tính cách đến chóng mặt khi nhịn ăn “thách thức” với bố mẹ, mặt lúc nào cũng… câng câng và ở bẩn.
Trên một diễn đàn dành cho các bố mẹ có con tuổi dậy thì, chị C. D kể, con gái năm nay 13 tuổi. Khoảng hơn 1 năm gần đây con thay đổi tính cách nhiều.
Dù đã đọc sách để chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc thay đổi ở tuổi ẩm ương của con nhưng người mẹ này thực sự “mệt mỏi” và “buồn rầu” khi gần đây tính cách bé càng khó ưa hơn.
“Ví dụ trước đây bé ăn uống dễ dàng, có món yêu thích và món ghét. Nhưng giờ bé ăn rất ít, ăn theo tâm trạng, có hôm bé nhịn nguyên ngày nếu thấy bực tức với bố mẹ. Em thấy có vẻ bé nhịn ăn như một kiểu thách thức và trừng phạt bố mẹ, dù vợ chồng em chẳng ai tỏ ra xoắn xuýt với việc bé nhịn cả.
Mỗi lần bé cáu gắt, em thường cố kiềm chế nhịn lời để không mắng mỏ. Có lần thì em im lặng thành công (khoảng 70%), nhưng khoảng 30% số lần là em tức điên nên em mắng bé, thế là bắt đầu chuỗi ngày mặt câng câng thách thức, nhịn ăn, đóng cửa rầm rầm hoặc nhốt mình trong phòng”, chị C. D cho hay.
Con gái nổi loạn tuổi dậy thì (Ảnh minh họa) |
Không chỉ dừng ở đó, ngay cả việc nhà và việc vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, tắm gội) con gái chị C.D cũng khá lười và làm tuỳ hứng. Có hôm thì hứng lên chăm chỉ vô cùng, nhưng có những chuỗi ngày dài bé ở bẩn thỉu luộm thuộm cũng vô đối.
“Những lúc đó nếu bé chăm chỉ sạch sẽ em đều khen, nếu bẩn và lười thì em đều cố gắng nhắc nhở. Và dù nhắc nhở với giọng điệu nhẹ nhàng hay quát tháo thì bé đều rất khó chịu.
Em cũng lựa những lúc vui vẻ đưa bé đi học hoặc đi ăn uống để tâm sự khuyên bảo con. Ví dụ em nói con gái thì nên sạch sẽ, chăm sóc cơ thể, chăm sóc nơi mình sinh sống, thì bé nói "con thích thế, sao con phải thay đổi".
Em giải thích thêm "sau con lớn, đi ở tập thể, ở nhà cùng người khác, mà con giữ vệ sinh thế này, thì không ai chịu được con đâu", bạn ấy phản pháo ngay rằng "sau con lớn con sẽ thuê full nhà chứ chẳng share với ai hết". Nói chung là cứ mỗi lần tâm sự ngọt nhẹ là em sôi máu”, người mẹ trẻ than phiền.
Chị kể thêm, khoảng 1 năm gần đây bé rất hay tự giam mình trong phòng (ở trường thì con vẫn vui vẻ chơi với bạn bè thầy cô), nhưng về nhà là con giam mình trong phòng.
Dù nhà không có laptop, ipad hay điện thoại gì cả nhưng cô bé 13 tuổi này có lúc vẫn nằm im trên giường cả tiếng đồng hồ mà không làm gì cả, cũng không biết chán.
“Em khá lo về tâm lý của bé và mối quan hệ của bé với bố mẹ. Thực sự em đang rất rối và cũng không biết nên làm thế nào. Nhờ các bố mẹ tư vấn giúp đỡ em”, chị C.D bối rối tham vấn.
Ngay sau dòng trạng thái của người mẹ trẻ này đã có rất nhiều phụ huynh đồng cảnh ngộ vào comment. Rất nhiều kinh nghiệm của các bố mẹ cùng con vượt qua tuổi dậy thì, nhiều mẹ thú nhận “phải giả vờ thua” con trong độ tuổi ẩm ương này.
Trong đó, một phụ huynh khác có nick Nguyen Thanh Phuong bày cách: Ở nhà có cả bố và mẹ thường là một người đấm và một người xoa. Mẹ trách mắng con thì bố cháu nên là người vỗ về con.
“Ví dụ con không làm việc nhà, bị mẹ mắng bố vỗ về: mẹ mắng đúng rồi, hai bố con cùng làm, nghe mẹ nói nhiều bố cũng mệt lắm. Kiểu phải có một người về phe con, hỗ trợ con.
Tuổi này bọn trẻ thay đổi tâm sinh lý nên rất hay mệt mỏi cáu giận. Mình không thể hơn thua với con được đâu”, tài khoản Thanh Phuong cho hay.
Người mẹ này cũng thẳng thắn chỉ ra vấn đề của con chị C.D “hay nói cùn” và “làm ngược lại” có thể do mẹ bé hay nâng quan điểm “ở bẩn sẽ sinh bệnh, lười biếng sẽ thất bại”.
“Nhưng sự thật con lười là do mệt mỏi. Bọn trẻ nó biết hết, nó rất ghét mình phân tích dài dòng. Tuổi nổi loạn nó chỉ thích được yên thân làm theo ý nó thôi, do mệt nên rất hay nằm. Bố mẹ phải hài hoà, lôi con vào những hoạt động chung như cùng chạy bộ, hay chơi 1 môn thể thao, cùng làm việc nhà.
Nhà mình chỉ có mỗi mình mẹ nhiều lúc cũng phải căng với nó, nhưng mình lại nhờ em út mình đến vỗ về, chỉ cần qua cơn khó chịu trong người là con lai bình thường. Đôi khi thấy nó cáu là mình lại nói hài hước kiểu: ơ sao em lại cao giọng với mẹ nhỉ, là nó lại hạ giọng.
Thấy nó chưa làm việc nhà mình nhắc kiểu hài hước: cháu NKL (mình lôi cả họ tên đầy đủ) hôm nay cháu lại không hoàn thành nhiệm vụ rồi - người mẹ vừa đi làm về mệt quá, cháu bảo người này phải làm sao?. Xin cháu cho ta 1 giải pháp đi… thế là nó im im đi làm, mình nghỉ 1 lúc rồi cũng hỗ trợ nó.
Hôm sau mình nhắn tin hoặc alo nhắc nó làm trước khi mình về kiểu: Em nhớ hoàn thành công việc nhé, không đến lúc mẹ về lại ngất đấy. Nói chung hội này nó không thích nâng quan điểm, nghiêm túc quá nó thấy mệt, mình nên nói ngắn gọn và hài hước cộng với kiên trì rồi sẽ ổn thôi”, chị Thanh Phuong chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý có nhiều năm, nhiều “khách hàng” là trẻ dậy thì, chuyên gia Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo - Wegood) cho rằng, các con trong tuổi dậy thì luôn được gắn với thời kỳ nổi loạn trong tính cách, hành vi.
Tuy nhiên, đôi khi các con là nạn nhân trong chính các sự nổi loạn này bởi:
1. Con không biết bản thân đang bị khủng hoảng tâm lý hay áp lực mà chỉ thấy khó chịu, dễ tức giận, dễ làm ngược với mọi vấn đề xung quanh nếu là bắt ép, ra lệnh...
2. Con không biết diễn đạt hay hiểu chính bản thân nên cũng không biết chia sẻ hay nói như thế nào để cha mẹ và người khác hiểu.
3. Con bế tắc và rơi vào trạng thái buông xuôi, làm ngược, dựa dẫm, bất cần, chống đối...... để mong tự giải thoát.
4. Con lớn quá nhanh và cảm thấy môi trường xung quanh thay đổi quá nhanh cộng với sự kỳ vọng hoặc thất vọng của cha mẹ nhiều hơn khiến cho tư duy nhận thức để giải quyết vấn đề cho chính mình càng non nớt hơn.... và con sẽ nghĩ hay hành động nông nổi hơn....
Vì thế, trong giai đoạn này, chuyên gia Phạm Hiền khuyến cáo “cha mẹ cần bình tĩnh cao độ để làm bạn với con. Chủ động tâm sự và thấu hiểu sự khủng hoảng này của con để đồng cảm giúp con phát triển”.
N. Huyền
Bất lực vì con nổi loạn tuổi dậy thì
Trẻ ở tuổi dậy thì thường hay có xung đột tâm lý với cha mẹ, vì đây là thời điểm trẻ muốn thể hiện bản thân mình, muốn tự lập.