Bé 2 tuổi bị đánh trước mặt 3 cô giáo, ứng phó sao với phụ huynh hung hãn?
Trong clip về phụ huynh hành hung học sinh 2 tuổi ở lớp mẫu giáo, có 3 cô giáo có mặt nhưng không ai phản ứng, ngăn chặn được hành vi của người đàn ông. Các cô quá trẻ, không kịp phản ứng hay thiếu kỹ năng?
Những ngày qua, sự việc cháu bé mầm non 2 tuổi bị bố của bạn hành hung ngay tại lớp học thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Sau khi xem clip, ngoài việc phẫn nộ trước hành vi bạo lực của người đàn ông đối với cháu bé, nhiều người cũng ngạc nhiên khi sự việc diễn ra ngay trước mặt cô giáo, thậm chí người đàn ông đánh cháu bé khi cháu đang trong vòng tay cô giáo nhưng cô giáo chỉ ngồi im nhìn mà không có bất cứ phản ứng nào để bảo vệ học sinh của mình.
Vậy nên dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu kỹ năng xử lý tình huống của các giáo viên mầm non này có quá kém?
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Phương Ngân – Hiệu trưởng Hệ thống Mầm non Blue Star (Hà Nội) cho biết: “Tại cơ sở giáo dục có rất nhiều những tình huống mà ở đó yêu cầu các giáo viên phải có kỹ năng xử lý phù hợp.
Thực tế đã có những phụ huynh vì bênh con mình mà có các hành vi phản cảm với con trẻ như trong vụ việc bé 2 tuổi tại Lào Cai bị bố của bạn hành hung. Với trường hợp như vậy, giáo viên phải có những kỹ năng bảo vệ học sinh của mình, giải thích rõ cho phụ huynh về sự việc để tránh trường hợp phụ huynh hành xử chưa đúng mực”.
Theo cô giáo Nguyễn Phương Ngân, cái khó của giáo viên trong tình huống này là các cô thấy phụ huynh quá hung hãn chửi mắng và xông vào đánh trẻ nên cũng hoảng sợ, dường như không dám đáp trả.
Người đàn ông áo vàng hành hung trẻ trước sự chứng kiến của giáo viên. (Ảnh cắt từ clip) |
“Nếu là giáo viên có kỹ năng, có kinh nghiệm chắc chắn sẽ không ngồi im để phụ huynh vào lớp đánh học sinh, giật tóc hay bắt con khoanh tay xin lỗi như vậy. Nếu thấy phụ huynh có biểu hiện hành hung, ngay lập tức giáo viên có thể yêu cầu phụ huynh này ra khỏi lớp học và sau đó yêu cầu làm việc với người có trách nhiệm tại trường để tránh những tổn thương đang tiếc cho trẻ. Tôi tin sự việc này sẽ là bài học cho nhiều phụ huynh và giáo viên về cách ứng xử văn hóa trong trường học”, cô Ngân cho hay.
Trao đổi với PV, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: “Trong clip về phụ huynh hành hung học sinh hai tuổi, có 3 cô giáo có mặt nhưng không ai phản ứng, ngăn chặn được hành vi của người đàn ông, tôi nghĩ các cô quá bất ngờ trước tình huống ấy và non về kỹ năng ứng xử.
Với đạo đức và lương tâm nghề nghiệp tôi nghĩ không có bất cứ giáo viên nào ngồi im nhìn người khác hành hung học sinh của mình. Có chăng là do các cô quá trẻ và không phản ứng kịp”.
Theo cô Loan, tại đa số các trường hiện nay chưa chú trọng đào tạo để giúp giáo viên kỹ năng mềm ứng xử với các tình huống khẩn cấp.
Trong trường hợp phụ huynh hành hung học sinh, giáo viên phải đứng lên tỏ rõ thái độ để yêu cầu phụ huynh dừng ngay việc xâm phạm thân thể sức khỏe trẻ em. Thậm chí, giáo viên sẵn sàng bảo vệ học sinh của mình, phản ứng nhanh như hiệp sĩ.
Sau đó giáo viên phải dùng hiểu biết nghiệp vụ sư phạm của mình yêu cầu dừng hành động đó lại, tuyệt đối không làm ngơ.
“Với trường tư, hiện nay chúng ta không bắt buộc các trường phải tập huẫn kỹ năng mềm cho giáo viên nhưng lãnh đạo nhà trường phải quna tâm đội ngũ của mình, dành thời gian cũng như kinh phí cho giáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho giáo viên.
Sự việc này tôi tin sẽ là bài học sâu sắc với các giáo viên về cách phản ứng tình huống bât ngờ.
Thông thường những phụ huynh đang tức giận, hành hung học sinh sẽ có xu hướng nói nhanh, to, giọng nói mang tính áp đặt. Khi này giáo viên nói với âm lượng nhỏ nhưng rõ ràng sẽ khiến phụ huynh phải chú ý. Vì vậy phụ huynh thay vì tập trung vào những điều họ đang tức giận họ có xu hướng dồn toàn bộ năng lượng để nghe rõ những gì giáo viên nói. Thêm vào đó khi phụ huynh bình tĩnh trở lại tự bản thân họ cũng cân nhắc về âm lượng họ đang sử dụng và sự phù hợp khi giao tiếp với giáo viên của con họ, lúc này giáo viên sẽ giải thích cho phụ huynh những gì đang diễn ra và tìm cách đưa phụ huynh ra ngoài lớp học tránh tổn thương cho học sinh.
Giải quyết vấn đề với phụ huynh chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với các giáo viên. Để tránh được những điều không mong muốn các thầy cô, với học sinh thì giáo viên hãy cân nhắc thật kĩ về những việc mình làm. Nó không chỉ giúp các giáo viên tránh được những tai nạn trong nghề nghiệp, mang lại an toàn cho các con mà còn xây dựng được một mối quan hệ tích cực, tạo dựng được mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường”, cô Loan cho hay.
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Hoàng Thanh