Bất ngờ phát hiện căn bệnh thường gặp nhưng ít người biết sau khi mắc Covid-19
Sợ mắc di chứng tim phổi do Covid-19, người đàn ông ở Hà Nội đi khám và rất bất ngờ khi lần đầu tiên nghe đến căn bệnh ngưng thở khi ngủ mà mình mắc phải.
Đó là trường hợp của anh N.X.A (41 tuổi, Hà Nội) mới được các bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Anh tâm sự với các bác sỹ, cách đây 3 tuần gia đình anh mắc Covid-19 nên mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên anh phát hiện khi ngủ thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp. Người nhà quan sát thấy có khi chỉ còn dưới 70%.
Sợ di chứng tim phổi do Covid, anh X.A đến khám tại Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây các bác sĩ khai thác thấy anh có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.
Ngay sau đó, anh X.A được đo đa kí giấc ngủ tại Trung tâm Hô hấp. Kết quả đo cho thấy bệnh nhân mắc ngừng thở khi ngủ mức độ nặng với AHI >70, cơn ngừng thở dài nhất kéo dài 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%.
Ngay lập tức bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt, anh A đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.
Ảnh minh hoạ |
Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Bệnh nhân ngưng thở trong lúc ngủ thường duy trì khoảng trống đường thở trong khi thức nhưng biểu hiện tắc nghẽn khi đi sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ sâu của bệnh nhân bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn trầm trọng và kích thích tỉnh giấc để đi vào giấc ngủ nông. Sự tỉnh giấc này tái lập lại đường thở đi kèm với hít hơi dài.
Đáng lưu ý, ngừng thở khi ngủ là một bệnh lí thường gặp hiện nay, tuy nhiên bệnh lại ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng mặc dù có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Tỷ lệ mắc bệnh tại Bắc Mỹ là 15-30% ở nam và 10-15% ở nữ. Các ước tính toàn cầu cho thấy có hơn 936 triệu người mắc OSA trong độ tuổi từ 30-69 tuổi.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trung niên, thường gặp ở nam giới. Những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,…), uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần hoặc trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.
Ngừng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thởi có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, GS-TS Ngô Quý Châu – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, hội chứng ngừng thở khi ngủ về lâu dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tái biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, giảm trí nhớ, mất tập trung…
Tuy nhiên đây là bệnh có thể chẩn đoán và điều trị được. Để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả bệnh này, người bệnh cần phải tiến hành đo đa ký hô hấp và đa ký giấc ngủ. Các thăm dò này đã được làm thường quy tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác.
GS Châu cũng cho biết thêm đây là căn bệnh có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, nếu thừa cân béo phì cần tập thể dục, thực hiện chế độ ăn hợp lý để giảm cân, nếu hút thuốc lá cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt …
Nếu bạn và người thân có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ ngừng thở khi ngủ như ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày, đau đầu sau khi thức dậy, cần đến bệnh viện chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
N.Huyền