Bất chấp dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, ngư dân Nghệ An vẫn vươn khơi bám biển
Trong thời gian từ năm 2021 trở về trước, giá dầu ổn định ở mức thấp, vì vậy các nghề khai thác hiệu quả, sản lượng ổn định, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của cộng đồng ngư dân.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cộng với việc giá xăng dầu từ đầu năm đến nay liên tục biến động tăng cao, trong đó dầu tăng khoảng 60% so với thời điểm ngày 31/12/2021, kéo theo các dịch vụ khác tăng theo khiến chi phí trung bình mỗi chuyến biển tăng lên từ 40-60 triệu đồng so với năm 2021.
Vượt qua những khó khăn trên, cùng với những giải pháp tháo gỡ kịp thời nên ngư dân Nghệ An đã khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc theo Luật Thủy sản 2017 và theo khuyến nghị của IUU, tích cực vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản.
Những ngày cuối năm 2022, tại các cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu), Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu),… ở Nghệ An luôn nhộn nhịp tàu cá ra, vào. Từng khay cá tươi rói đầy ắp từ khoang tàu vừa cập cảng được các ngư hối hả chuyển vào bờ để kịp chuyển về chợ bán.
Các chủ tàu cho biết, vào thời điểm tháng 7, tháng 8 là lúc ngư trường khai thác thuận lợi nên các chủ tàu đều tranh thủ ra khơi bám biển khai thác “lộc biển”, sản lượng thu về khá lớn, mỗi chuyến đánh bắt mỗi tàu thu trung bình từ 250 - 300 triệu đồng, mức thu như này là các chủ tàu đều có lãi.
Bước sang tháng 10, tháng11 là thời điểm ngư dân Nghệ An vào mua khai thác ruốc tép, nhờ chăm chỉ bám biển nên có chủ tàu “trúng đậm” loại lộc biển này. Chỉ cần ra biển 1 đêm, sáng hôm sau tàu trở về cập bến đã đầy ắp ruốc tép, thuyền nhỏ thì được từ 1,5 – 2 tấn, thuyền lớn hơn thì được 4-5 tấn ruốc tép, thu cả chục triệu đồng.
Bước sang mùa Đông cũng là thời điểm cuối năm, ngư dân Nghệ An lạikhai thác hải sản có giá trị cao, chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán như mực, cá…
Ngư dân Vũ Trí Trung (ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, anh vừa trở về sau gần 10 ngày ra biển. Chuyến tàu vừa rồi của anh khai thác được 3,5 tạ mực khô, 6-7 tạ mực tươi và có khoảng gần 1 tấn cá. Mực tươi thì cho vào cấp đông bảo quản để phục vụ thị trường Tết.
Theo anh Trung, mỗi kg mực khô có giá từ 1,2 – 1,3 triệu đồng; còn mực tươi giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, cộng với gần 1 tấn cá nữa. Chuyến biển này của anh và các thành viên trên tàu thu khoảng hơn 600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Đông, Quản lý cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) cho biết, thời điểm này hay có gió mùa về nên tàu thuyền của ngư dân thường đi khai thác hải sản gần và ngắn ngày, vì thế, sản lượng hải sản không nhiều như các đợt khácnhưng lại khai thác được hải sản có giá trị, chất lượng tốt, được thương lái thu mua với giá cao.
Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là địa phương có số tàu thuyền công suất lớn nhiều nhất tỉnh. Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội Nghề cá của xã cho biết, cuối năm, có những tàu đánh bắt được trên 15 tấn hải sản, tàu ít nhất cũng được 6 tấn.
Tại cảng cá Lạch Quèn thời điểm này luôn nhộn nhịp tàu thuyền về bốc dỡ hải sản. Ước tính đợt này có gần 100 tàu thuyền công suất lớn của ngư dân Quỳnh Lưu đăng ký cập cảng cá Lạch Quèn nên có tới hàng trăm tấn hải sản cập cảng cá.
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV, trong đó số tàu cá trên 12m có 1.762 chiếc; số tàu cá hoạt động vùng khơi là 1.221 tàu, chiếm tỷ lệ 0,352%.
Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của Nghệ An ước đạt trên 201 nghìn tấn, giá trị ước 4.788 tỷ đồng, bằng 106,53% so với kế hoạch năm.
Nguyễn Vũ