Những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Kinh tế Việt Nam trong xu hướng phục hồi tích cực nhờ bước chuyển quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ kinh tế.
Tăng trưởng GDP quý I/2022 tăng lên mức 5,03% (so với mức tăng 4,72% trong quý I/2021 và 3,68% trong quý I/2020); 7,7% trong quý II/2022 – mức cao nhất so cùng kì 10 năm qua và đạt mức rất cao 13,67% trong quý III/2022, đưa tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - vượt qua các mức tăng trưởng trước đại dịch.
Theo TS. Trần Toàn Thắng – Trưởng Ban Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF) – trạng thái dịch chuyển ngược với xu hướng toàn cầu cho thấy sức chống chịu đáng kể của kinh tế Việt Nam.
“Tăng trưởng tiềm năng bắt đầu cải thiện, nhưng cần thêm thời gian để khẳng định xu hướng vững chắc thay vì lực đẩy tạm thời từ các yếu tố hỗ trợ trong giai đoạn kích thích phục hồi tăng trưởng”, TS. Trần Toàn Thắng nói.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu thuộc NCIF, dự báo tăng trưởng tiềm năng sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2023-2024 với thị trường lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường.
Tổng tiêu dùng nội địa phục hồi rất tích cực trong 9 tháng năm 20222. Tính chung 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26%, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.
Ở phía các ngành kinh tế, đóng góp trong tăng trưởng dịch chuyển trọng tâm dần từ công nghiệp sang dịch vụ dựa trên tiêu dùng trong nước. Trong 9 tháng năm 2022, công nghiệp xây dựng tăng trưởng 9,44%, đóng góp 3,47 điểm %; dịch vụ tăng trưởng 10,57%, đóng góp 4,52 điểm %; trong khi khu vực nông lâm thuỷ sản tăng trưởng 2,99%, đóng góp 0,33 điểm % trong tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế.
Khu vực nông lâm thuỷ sản tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” trong tăng trưởng kinh tế và lợi thế kiểm soát lạm phát. 9 tháng đầu năm 2022 duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,99%, đóng góp 0,33 điểm % cho tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế.
“Đây là một trong những điều kiện nền tảng, lợi thế của Việt Nam, có thể duy trì nguồn cung lương thực thực phẩm, hạn chế tác động cửa cuộc khủng hoảng lương thực thế giới”, TS. Trần Toàn Thắng nói.
Khu vực công nghiệp và xây dựng phản ứng rất tích cực, trở lại xu hướng tăng trưởng trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ sự phục hồi của tiêu thụ, thị trường lao động, các kết nối vận tải và chuỗi cung ứng gắn với chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19. GDP công nghiệp (không bao gồm xây dựng) tăng trưởng 7,0% trong quý I/2022; 9,9% trong quý II và 12,12% trong quý III/2022, quay lại xu hướng trước đại dịch từ tháng 5/2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh kể từ tháng 5/2022 bất chấp bối cảnh quốc tế kém thuận lợi, giá cả đầu vào xu hướng tăng cao, kinh tế vĩ mô trong nước đứng trước các áp lực điều chỉnh. Tính chung 9 tháng 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6%, so với mức tăng 4,1% trong 9 tháng 2021 và 2,4% trong 9 tháng 2019.
Sự hồi phục của thị trường lao động, tiêu thụ và xuất khẩu khiến các ngành thâm dụng lao động – là các ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong làn sóng dịch thứ 4 – bật tăng mạnh trong 6 tháng 2022. Ngược lại, một số ngành chế tạo, đặc biệt là các ngành liên quan đến sản xuất sắt, thép, phân bón, máy móc thiết bị,… rơi vào trạng thái bất lợi do ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine và tình trạng kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Các ngành dệt may, da giày và điện tử bật tăng mạnh nhất với chỉ số sản xuất công nghiệp ngành may mặc tăng 22,5%, da giày tăng 20,4% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất đồ uống tăng 31,9% cho thấy tiêu dùng trong nước mạnh lên rõ rệt.
Khu vực dịch vụ “hồi sức” rất mạnh nhờ sức bật của bán buôn bán lẻ, các dịch vụ tiêu dùng, vận tải, logistics và du lịch sau thời gian dài bị kìm nén. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng gần 19% trong quý III/2022, đóng góp tới 7,7 điểm % trong con số tăng trưởng 13,67% của toàn nền kinh tế. Sự bứt phá của nhóm các dịch vụ tiêu dùng và vận tải, logistics đóng góp lớn nhất cho sự phục hồi của khu vực dịch vụ.
Bán buôn, bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng 3,42% trong quý I/2022, tăng lên 8,34% trong quý II/2022 và bật tăng tới 20,98% trong quý III/2022.
Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú và ăn uống đã phục hồi mạnh mẽ từ quý II/2022 cùng với các hoạt động du lịch. Tốc độ tăng trưởng các dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng từ mức –1,18% trong quý I/2022 lên 26,59% trong quý II/2022 và 171,68% trong quý III/2022.
Tương tự với lĩnh vực vận tải, kho bãi. Các kết nối vận tải thông suốt và nhu cầu tăng mạnh đã giúp lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi tăng trưởng nhanh, từ 6,97% trong quý I/2022 lên 28,77% trong quý III/2022.
Trong khi đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng và thông tin – truyền thông tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vững chắc, lần lượt ở mức 9,05% và 7,65% trong 3 quý đầu năm 2022.
Tuân Nguyễn