Báo Trung Quốc phủ nhận xây căn cứ quân sự gần Senkaku/Điếu Ngư
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc các tờ báo Nhật đua nhau đưa tin Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại đảo Nanji thuộc tỉnh Chiết Giang là do khu vực này từng bị quân đội Nhật chiếm đóng 2 lần trong giai đoạn chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai.
Trước đó, tờ Kyodo của Nhật Bản đăng thông tin cho biết Trung Quốc đã quyết định xây dựng một căn cứ quân sự trên đảo Nanji gần Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo đang xảy ra tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo nằm trên biển Hoa Đông, sau khi nhận được các nguồn tin từ trong quân đội Trung Quốc.
Khu vực trung tâm trên đảo Nanji. |
Đảo Nanji nằm cách quần đảo trung chấp giữa Trung – Nhật Senkaku/Điếu Ngư, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo, khoảng 300 km. Nó cũng chỉ cách nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ - đảo Okinawa - tại khu vực Viễn Đông khoảng 100km.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc cho rằng thông tin trên là vô căn cứ bởi môi trường địa địa lý trên quần đảo Nanji không hề phù hợp để triển khai xây dựng một căn cứ trực thăng. Ngoài ra, với địa hình núi non bao quanh, Bắc Kinh cũng không thể xây đường băng tại đây.
Song, tờ Kyodo khẳng định các máy bay cánh cứng sẽ không thể cất cánh hoặc hạ cánh trên đảo Nanji nhưng điều kiện kỹ thuật của những chiếc trực thăng thì hoàn toàn có thể làm được việc này.
Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Hải quân Trung Quốc Li Jie cũng nhận định hòn đảo Nanji lâu nay vẫn được coi là một khu vực chiến lược trong tương lai để Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự. Theo ông Li, Trung Quốc sẽ còn cho xây dựng các căn cứ quân sự trên những hòn đảo khác nằm gần khu vực bờ biển phía đông nước này. Do đó, Nhật Bản không cần thiết chỉ quan tâm tới hòn đảo Nanji.
Còn theo Japan Times, quân đội Trung Quốc đã cho lắp đặt các hệ thống radar lớn tại nhiều vị trí cao ở đảo chính Nanji. Ngoài ra, nhiều làn đường cho máy bay hạ cánh cũng đã được hoàn thành. Trung Quốc còn dự định xây nhiều làn đường hạ cánh nữa trên một hòn đảo gần với Nanji vào năm tới.
Với việc mở rộng quân sự trên, Trung Quốc có thể sẽ phải di chuyển khoảng 2.500 người dân sống trên quần đảo hiện đang sống bằng nghề đánh bắt cá cũng như hạn chế dịch vụ du lịch ở đây.
Quần đảo Nanji, một khu du lịch nổi tiếng của Chiết Giang, được UNESCO liệt kê vào danh sách khu dự trữ sinh quyển tại châu Á và Thái Bình Dương từ năm 1998.