Báo nước ngoài: VN đang xây khu mai phục tàu ngầm
Tàu ngầm Hà Nội neo đậu tại cảng Cam Ranh |
Theo trang tin “Đa chiều”, chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mà Việt Nam đặt mua của Nga đã cập cảng Cam Ranh – quân cảng nằm ở khu vực Nam Trung Bộ đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong quá trình trang bị vũ khí. Với chức năng quan trọng là tấn công tàu sân bay, tàu ngầm mới này của Việt Nam sẽ là sự uy hiếp lớn nhất đối với tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh, ở Biển Đông.
Bài báo cũng cho biết, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam sử dụng cả diesel và điện với tên gọi Hà Nội là 1 trong 6 chiếc mà Việt Nam đặt mua của Nga do nhà máy đóng tàu Admiraltei-Verf tại thành phố St. Petersburg chế tạo và dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014.
Tàu ngầm Hà Nội có lượng giãn nước 3.100 tấn, độ lặn sâu tối đa 300m, tốc độ 20 hải lý/giờ, thời gian hoạt động 45 ngày và mang theo thủy thủ đoàn 52 người. Đây là tàu ngầm thế hệ thứ 3 của Nga, động cơ chạy êm nhất thế giới, thích hợp trong việc trinh sát và tuần tra nên được gọi là “hố đen đại dương” hay “sát thủ thầm lặng”.
Hệ thống vũ khí của tàu ngầm lớp Kilo từng khiến thế giới phải khiếp sợ. Sáu ống phóng ngư lôi được trang bị trên tàu có thể vừa phóng được vũ khí chống tàu ngầm uy lực lớn như ngư lôi Type 53, vừa có thể phóng được tên lửa chống tàu chiến.
Năm 2009, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã ký hợp đồng mua vũ khí đạn dược của Nga trị giá 3,2 tỷ USD, trong đó chi phí mua riêng 6 chiếc tàu ngầm hiện đại nhất lớp Kilo 636 có giá lên tới 2 tỷ USD.
Ngày 24/8/2010, tàu ngầm Hà Nội mang số hiệu HQ 182 hay 01339 bắt đầu được chế tạo và đúng một năm sau thì tiến hành hạ thủy thử nghiệm. Theo hợp đồng đã được ký kết, chiếc tàu ngầm thứ hai mang tên “Hồ Chí Minh”, số hiệu HQ 183 cũng được hạ thủy vào cuối năm 2012. Hiện nay, mọi việc đã hoàn tất và dự kiến sẽ chính thức bàn giao cho Việt Nam vào tháng 3/2014.
Giới phân tích cho rằng, Việt Nam là thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống của Nga, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước đã được duy trì mấy chục năm. Học giả về vấn đề Đông Nam Á của Nga, ông Kanayev đã từng nói: “Nga vẫn nhấn mạnh việc hợp tác với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, bao gồm tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự. Do đó,việc mua bán vũ khí với Việt Nam, trong đó có việc mua bán tàu ngầm chính là thể hiện việc Nga đang thực hiện chiến lược ngoại giao này”.
Ngoài tàu ngầm, vài năm trở lại đây Việt Nam còn mua của Nga tàu chiến tấn công mặt nước và một số thiết bị bờ biển như máy bay chiến đấu hải quân và tàu hộ vệ… Năm 2012, Việt Nam đã chi thêm 1 tỷ USD để đặt mua lô 12 chiếc tiêm kích đa năng Su-30 MK2 của Nga, nâng số lượng máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ 3 của Việt Nam lên 29 chiếc, góp phần tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát vùng biển và vùng trời tầm xa của không quân Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn có ý định xây dựng “Chiến trường song tuyến”, thực hiện “Cân bằng Nam Bắc”, tức là đồng thời với việc tích cực mở rộng khu vực Bắc Trung Bộ ở Biển Đông, trọng điểm là xây dựng chiến trường phía Nam Biển Đông, đặc biệt là hướng tiến vào eo biển Malacca. Đồng thời, Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một “khu mai phục tàu ngầm”.
Hải quân Việt Nam đã vạch ra “Quy hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21”, dành riêng một khoản kinh phí để tu sửa và xây dựng thêm một số cảng biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn… Đồng thời, từ năm 2007, hải quân Việt Nam đã tích cực tuyển chọn đội ngũ cán bộ hoạt động trên tàu phục vụ công tác chuẩn bị xây dựng đội ngũ thủy thủ đoàn hùng hậu.
Cũng trong dịp Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Hà Nội, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa dẫn lời trung tướng Trần Hưng Quốc, tướng nghỉ hưu của Lục quân Đài Loan, người từng được điều đến miền nam Việt Nam trong chiến tranh và có nghiên cứu về tình hình biển Đông, cho rằng, Hải quân Việt Nam có thể đứng thứ 10 trên thế giới. Nhưng, viên tướng này cũng cho rằng, “Việt Nam duy trì chiến lược phòng thủ, không phát động tấn công trước khi có xung đột”.