Báo Mỹ: Nga mượn Trung Đông để lập trật tự thế giới mới
Không kích IS, Nga sẽ thiết lập “trật tự thế giới” mới? |
Nhận định trên được chuyên gia phân tích chính trị Maksim Sukhov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga đưa ra trong bài báo viết cho tờ The National Interest.
Theo bài báo trên, trong năm 2015, chiến dịch không kích IS ở Syria đã giúp Nga giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng chiến lược.
Nhiệm vụ thứ nhất, Nga đã không còn tiếp tục coi là “bị cô lập” vì hiện nay, hầu hết các cường quốc và các quốc gia khác có lợi ích đều muốn hợp tác với Nga.
Mặc dù một trong số đó, điển hình như các nước vùng Vịnh Persic và phe đối lập Syria, công khai chỉ trích Moscow nhưng vẫn tiếp tục đề nghị đối thoại với Nga. Khuynh hướng này, theo NI, nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2016.
Thứ hai, Nga đã khiến các cường quốc châu Âu và cả Mỹ phải thay đổi quan điểm của mình đối với việc giải quyết số phận chính trị của Tổng thống Syria al-Assad.
Ban đầu, các quốc gia phương Tây đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là lật đổ chế độ al-Assad ở Syria. Hiện nay, cuộc chiến chống IS mới là nhiệm vụ hàng đầu mà các quốc gia phương Tây đặt ra.
“Chiến dịch quân sự chống IS đã khẳng định một cách chắc chắn vị thế đầu tàu của Nga trong chiến dịch chống IS. Rõ ràng, xét từ khía cạnh chính trị cũng như từ khía cạnh khác của chiến dịch này, việc hợp tác với Nga đem lại nhiều lợi ích rõ ràng hơn so với việc cô lập Nga”- bài báo của NI nhận định.
Hiện Moscow đang muốn thực hiện giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn còn nhiều chông gai để có thể hiện thực hóa.
Theo NI, nhiều khả năng Nga chỉ chấp nhận tiến trình chính trị cho Syria mà ở đó Nga có vai trò cân bằng với Washington và những ý kiến của Moscow được lắng nghe, tôn trọng.
Tuy nhiên, chiến lược của Nga có thể bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác chưa thể lường trước được như quan hệ căng thẳng giữa Iran với Arab Saudi. Hiện Nga vẫn giữ quan điểm trung lập đối với vấn đề này vì quan ngại rằng những hành động của Nga có thể sẽ khiến Mỹ thực hiện các hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đồng thời IS từ đó cũng sẽ nhận được nhiều sự “chống lưng” khác.
Trong khi đó, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang càng trở nên căng thẳng hơn. Chính vấn đề này có thể sẽ trở thành “hòn đá” ngăn chặn hợp tác Nga-Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Hơn nữa, quan hệ giữa Nga với Iran vẫn đang diễn ra theo kiểu “vừa là bạn, vừa là đối thủ”. Nếu như sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran thực hiện một chiến lược cứng rắn trên thị trường năng lượng thì nhiều khả năng quan hệ giữa Iran với Moscow sẽ trở thành mối quan hệ “cạnh tranh nhiều hơn là hữu hảo”.
Căng thẳng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chưa thể "hạ nhiệt" trong năm 2016. |
Đối với Ai Cập, Moscow hiện đang cố gắng khôi phục mối quan hệ với quốc gia có vị trí chiến lược hàng đầu châu Phi này sau khi quan hệ hai bên xấu đi từ vụ đặt bom máy bay A321 của Nga.
Ai Cập vẫn là đối tác quan trọng trong khu vực này của Nga và Nga rất cần đến sự trợ giúp của Ai Cập để thực hiện các sáng kiến, chiến lược của mình trong khu vực.
Ngoài ra, Nga còn muốn dựa vào sự ủng hộ của Ai Cập để cải thiện hình ảnh trong con mắt của người Hồi giáo dòng Sunni. Hiện các quốc gia theo Hồi giáo dòng Sunni vẫn xem Nga là lực lượng ủng hộ Hồi giáo dòng Shiite nên đang thực sự hạn chế các mối quan hệ ngoại giao với Moscow.
Về tổng thể, Moscow sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện chiến lược coi “Trung Đông là khu vực có các cấu trúc an ninh phù hợp có thể cho phép Moscow giải quyết được các nhiệm vụ đối nội, cũng như đẩy lùi các mối đe dọa đối với khu vực Kavkaz và Trung Á”.
Tuy nhiên, đặc trưng các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ khiến việc thúc đẩy thực hiện các chiến lược của Nga trở nên không hề đơn giản.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới. Ngày 9/12/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập tờ Tiếng nói nước Nga và RIA Novosti thành Rossiya Segodnya (hãng tin tức quốc tế Russia Today (RT)).