Báo Đức: Nhật Bản chuyển từ ‘phòng thủ sang tấn công’
Theo tờ Frankfurter Allgemeine của Đức, trước khi kết thúc sự nghiệp chính trị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi phát triển đất nước theo hướng không chỉ phòng thủ mà còn cả khả năng tấn công.
Theo đó, Nhật Bản cần tăng cường an ninh trước những mối đe dọa. Trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã mô tả mối quan tâm lớn nhất của Tokyo về “đe dọa an ninh” là Bình Nhưỡng, cũng như Bắc Kinh.
Frankfurter Allgemeine cho rằng, khi kết thúc sự nghiệp chính trị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã nắm quyền trong 8 năm, đã ủng hộ một hướng đi mới trong lĩnh vực quốc phòng. Ông muốn Nhật Bản không chỉ có khả năng tự vệ mà còn có khả năng tấn công quân sự. “Tôi cho rằng cần phải tăng cường an ninh trước những mối đe dọa. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư hàng tỉ USD, và không chỉ vào quân sự mà còn cả tình báo, vì giờ đây Nhật Bản trong lĩnh vực này phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Mỹ”, ông Abe nhận định.
Trong những năm gần đây, ông Abe đã thường xuyên tăng chi tiêu quốc phòng. Ông ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, diễn giải lại hiến pháp hòa bình, cho phép Nhật Bản tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng định sửa đổi hiến pháp để thay đổi sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ (SDF), nhưng điều này là không thể.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: RIA) |
Theo Frankfurter Allgemeine, quyết định cuối cùng về chính sách quân sự mới sẽ do người kế nhiệm ông Abe đưa ra. Trong hàng ngũ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, nhiều người ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Abe. Họ tin rằng sự thay đổi chính sách an ninh này không mâu thuẫn với hiến pháp hòa bình của đất nước. Nhiều năm trước đó, đã có một cuộc thảo luận ở Nhật Bản về vấn đề sẽ được tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của kẻ thù nếu mối đe dọa là rõ ràng.
Mối quan tâm lớn nhất của Tokyo là Triều Tiên, quốc gia được cho là có trang bị tên lửa hạt nhân. Ông Abe không nói gì về Trung Quốc, nhưng trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono đích thân nêu Bắc Kinh là “mối đe dọa an ninh”. Sự thay đổi thủ tướng ở Nhật Bản chắc chắn sẽ không làm hài lòng các nước láng giềng cả Triều Tiên và Trung Quốc, cũng như Nga.
Trước đó, hôm 28/8, ông Abe xác nhận trong cuộc họp báo rằng ông chính thức từ chức vì lý do sức khỏe. Theo ông Abe, trong 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản, “ông đã chống chọi được với căn bệnh viêm loét đại tràng, nhưng vào tháng 6 căn bệnh này đã quay trở lại".
Căn bệnh này cũng là lý do khiến ông Abe từ chức vào năm 2006. Tuy nhiên, sau đó tình trạng của ông đã ổn định và năm 2012 ông được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản. Tính đến ngày 24/8, thời gian tại vị của ông đã vượt quá 2.799 ngày, đây là thời gian cầm quyền dài nhất đối với một Thủ tướng Nhật Bản, vượt qua người chú là cố Thủ tướng Sato Eisaku (1901-1975) với thời gian cầm quyền từ năm 1964 đến 1972.
Thời gian qua, truyền thông Nhật Bản cũng như quốc tế cũng đã có nhiều đồn đoán về những gương mặt sáng giá thay thế chiếc ghế Thủ tướng. Trong đó, có rất nhiều cái tên đầy triển vọng như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kishida Fumio, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Seiko Noda hay Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono.
Tuy nhiên, nổi bật nhất trong số các ứng cử viên và được dự đoán sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của xứ Phù Tang là ông Suga Yoshihide, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản. Ông Suga Yoshihide giữ vị trí Chánh văn phòng Nội các kể từ khi Thủ tướng Abe quay trở lại chính quyền từ tháng 9/2012, ông được xem như “tổng quản” nếu Thủ tướng Abe bất ngờ từ chức. Ông đồng thời là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ, điều phối chính sách và bộ máy nội các Nhật Bản.
Đức đang ở ‘ngã ba đường’, không biết phải làm gì với Nord Stream 2
Nhà báo người Ba Lan Iwona Trusevich nhận định, triển vọng hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đang giảm dần, cùng với đó là sự ủng hộ giảm mạnh của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thanh Bình (lược dịch)