Vì sao Mỹ muốn lập 'liên minh quân sự' với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia?
Mỹ muốn thiết lập một liên minh quân sự giống như NATO ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Washington muốn chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia hay còn gọi là “Bộ tứ Kim cương” với mô hình hoạt động giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong tuyên bố hôm 31/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho hay mục tiêu của chính phủ Mỹ là cùng các nước trong khu vực ngăn chặn "thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc và tạo ra lực lượng then chốt để chia sẻ các giá trị và lợi ích nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới để liên kết một cách có tổ chức".
Mỹ muốn lập 'liên minh NATO' ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. (Ảnh minh họa) |
"Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thật sự đang thiếu những cấu trúc đa phương vững mạnh. Họ không có tổ chức nào đủ vững chắc như NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Do đó, chúng tôi muốn chính thức hóa một cấu trúc như vậy", ông Biegun nhấn mạnh.
"Ngay cả NATO cũng khởi đầu khá khiêm tốn và một số nước ban đầu chọn con đường trung lập không làm thành viên NATO", ông Biegun nói thêm.
Theo ông Biegun, Washington sẽ giữ tham vọng về mô hình NATO ở Thái Bình Dương nhưng một liên minh chính thức chỉ có thể hình thành khi những nước khác cũng cam kết mạnh mẽ như Mỹ".
Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verman trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ - Ấn, ông Biegun cho biết mô hình "Bộ tứ Kim cương" của 4 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia dự kiến sẽ nhóm họp tại New Delhi vào mùa thu năm nay. Theo ông Biegun, việc Australia có khả năng tham gia cuộc tập trận Malabar của Ấn Độ là tín hiệu cho thấy nhóm đang tiến gần hơn tới hình thành khối phòng thủ chính thức.
Ông Biegun cho hay, Ấn Độ đã thể hiện rõ ý định mời Australia tham dự tập trận Malabar. Đây là bước tiến rất lớn trong đảm bảo tự do đi lại và an ninh ở các vùng biển trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar diễn ra chủ yếu trong khu vực vịnh Bengal được Mỹ và Ấn Độ tổ chức từ năm 1992. Từ năm 2015, Malabar có thêm sự tham gia của Nhật Bản. Australia mới một lần tham gia Malabar vào năm 2007 nhưng vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc. Singapore cũng tham gia sự kiện Malabar vào năm 2007.
Theo báo cáo của Viện Lowy, xung đột biên giới Trung - Ấn tại thung lũng Galwan trên dãy núi Himalaya vào tháng Sáu khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng chính là nguyên nhân làm New Delhi thay đổi thái độ và muốn mời Australia trở lại Malabar. Cuộc tập trận năm nay đã có Mỹ và Nhật Bản xác nhận tham dự, nhưng phải trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Còn Delhi vẫn chưa chính thức xác nhận mời Australia.
Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Biegun được đưa ra sau khi Cố vấn An ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Robert O’Brien mới đây đã gọi những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông là “nực cười”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đang có kế hoạch gặp gỡ những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào tháng 9 – 10 năm nay.
Lộ diện 2 tên lửa quân đội Trung Quốc vừa phóng ở Biển Đông
Hai tên lửa quân đội Trung Quốc vừa phóng ở Biển Đông được xác định là DF-21D và DF-26B.
Minh Thu (lược dịch)