Báo Anh: Trung Quốc cưỡng đoạt Biển Đông để "hất cẳng" Mỹ
Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra về động cơ của Trung Quốc khi hung hăng để độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc muốn chiếm nguồn tài nguyên “có thể có” dưới đáy biển ở dạng khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt chưa được khai thác hay các nguồn hải sản? Trung Quốc muốn tăng cường an ninh bằng cách thống trị cả những vùng biển nằm cách bờ biển nước này đến hàng ngàn km hay tham lam muốn chiếm tất cả các tuyến đường biển ra Thái Bình Dương? Hay Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc có quyền lực ít nhất là ngang bằng với Mỹ?
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. |
Theo Howard W. French - Giáo sư ngành Báo chí Đại học Columbia (Mỹ), cựu trưởng phân xã Thượng Hải của tờ The New York Times - có thể để đánh giá động cơ muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ nhiều khía cạnh.
Thứ nhất là vị trí của tỉnh cực nam Hải Nam. Tam Á là thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc. Những bãi biển tuyệt đẹp khiến nơi đây được ví như “Hawaii của Trung Quốc”. Tuy vậy, đây không phải là điểm chung duy nhất giữa Tam Á và Hawaii. Tam Á cũng có các căn cứ quân sự như căn cứ Trân Châu Cảng ở Hawaii.
Cũng giống như việc Mỹ sử dụng Trân Châu Cảng, từ cuối thế kỉ 19, để triển khai sức mạnh vào sâu Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tận dụng đảo Hải Nam để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông.
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại khi Bắc Kinh đưa tàu từ Hải Nam ra biển để sách nhiễu và đe dọa các nước nhỏ hơn. Hành động hung hăng gần đây nhất của Trung Quốc là đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, tàu Trung Quốc cũng nhiều lần chặn tàu Philippines tiếp tế cho các binh sĩ trên chiếc tàu đang mắc cạn ở bãi cạn Scarborough.
Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn ra sức nạo vét biển để xây dựng đảo nhân tạo ở ít nhất 7 địa điểm trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường quân đội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng này đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Dự đoán, đến thập kỉ tới, nó sẽ lớn hơn cả của Mỹ, Nhật Bản và của tất cả các nước láng giềng Đông Nam Á cộng lại. Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc cũng rất lớn, có thể chở một lượng lớn binh sĩ hải quân.
Và vì mục đích của lực lượng cảnh sát biển là củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông nên phần lớn đều đóng quân ở Hải Nam.
Với sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực, Trung Quốc đang nhanh chóng trang bị một đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, bao gồm cả các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có tham vọng xây dựng một hạm đội tàu sân bay hiện đại.
Trung Quốc tham vọng thành cường quốc số một thế giới hay ít nhất cũng phải thống trị châu Á |
Động cơ của Bắc Kinh ở Biển Đông còn thể hiện qua tư tưởng của lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh vừa trải qua 2 năm trong số 10 năm nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình. Nhiều nhà quan sát mô tả ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo có lập trường hung hăng nhất từ thời Mao Trạch Đông.
Ông Howard W. French nhận định, hầu hết các nhà lãnh đạo sau ông Mao Trạch Đông đều phải bỏ ra nhiều năm để củng cố quyền lực trước khi công bố bất cứ chương trình cá nhân nào. Ngược lại, với tham vọng lớn, ông Tập Cận Bình công bố phương châm lãnh đạo ngay từ những ngày đầu làm Chủ tịch Trung Quốc.
Chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình “giấc mơ lớn về phục hưng đất nước" thường được hiểu là tham vọng đưa Trung Quốc thành cường quốc số một thế giới hay ít nhất cũng phải thống trị châu Á. Ông Tập đã từng công khai tuyên bố rằng ông muốn châu Á được quản lý bởi người châu Á.
Do vậy, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc đã có rất nhiều hành động hung hăng với các nước láng giềng, cũng như có nhiều sáng kiến để xóa bỏ những ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Bắc Kinh cho rằng,Trung Quốc sẽ không có cách nào trở thành “kẻ thống trị tối cao” ở Biển Đông một khi Mỹ vẫn còn tự do hoạt động ở Thái Bình Dương. |
Trung Quốc gần đây đang tăng cường xây dựng những con đường mới, tất cả đều dẫn tới Bắc Kinh. Ví dụ như các tuyến đường sắt xuyên lục địa mới có tốc độ cao cũng như khả năng vận chuyển hàng hóa và hành khách lớn. Ngoài ra, Trung Quốc dường như đang muốn tích hợp Đông Nam Á vào mạng lưới đường sắt của Trung Quốc với các dự án đường sắt nối từ Trung Quốc tới nhiều quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Lào.
Bắc Kinh còn đầu tư xây dựng một mạng lưới các cảng thương mại ở Ấn Độ Dương và dùng hàng chục tỷ USD thúc đẩy chiến lược “Con đường tơ lụa mới”. Con đường này sẽ nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc với Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và có thể vươn tới Địa Trung Hải. Riêng bản thân tên gọi này cũng đã cho thấy tham vọng thống trị của Bắc Kinh.
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc và ngay cả Mỹ đều coi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá nằm cách bờ biển đảo Hải Nam đến hàng ngàn km và chỉ cách bờ biển các nước khác khoảng vài trăm km, là những tuyên bố trắng trợn và ngang ngược, gợi nhớ lại kỉ nguyên đế quốc cuối thế kỉ 19.
Khi được ông Howard W. French hỏi về lý do tại sao Trung Quốc lại khăng khăng muốn độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, ông Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc nói: “Lý do cho việc kiểm soát Biển Đông trở nên quan trọng là vì vấn đề địa chính trị. Biển Đông nằm ở rìa Thái Bình Dương, và điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…".
Khi được hỏi, nhiều người suy đoán rằng liệu Trung Quốc đang tham lam như vậy bởi nghĩ rằng vùng biển này có trữ lượng hydrocarbon khổng lồ hay việc chiếm Biển Đông sẽ giúp Bắc Kinh có nguồn hải sản dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1 tỷ dân hay không, ông Wu khẳng định, cái Trung Quốc thực sự muốn là quyền lực.
Bắc Kinh xem Mỹ, chứ không phải châu Âu hay Nhật Bản, là trở ngại chính để thực hiện những tham vọng trong khu vực cũng như trên thế giới. Trung Quốc sẽ không có cách nào trở thành “kẻ cai trị tối cao” ở Biển Đông một khi Mỹ vẫn còn tự do hoạt động ở Thái Bình Dương.
Thậm chí chiến lược xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc dường như cũng là nhằm đối phó với hải quân Mỹ.
Các vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam, gần căn cứ hải quân Yalin, nơi Trung Quốc đang duy trì hạm đội tàu ngầm hạt nhân là một các vùng nước nông, giúp Trung Quốc dễ dàng phát hiện tàu ngầm. Trong khi đó, các vùng nước sâu xung quanh các bãi đá như Bãi Chữ thập lại cho phép tàu ngầm Trung Quốc “tàng hình” tốt hơn trước các hình thức theo dõi của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, các hệ thống radar trên khắp Biển Đông và các chuyến bay giám sát cũng giúp Trung Quốc cập nhật nhanh chóng thông tin để đối phó với các hoạt động của hải quân Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Guardian, một nhật báo lớn được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh.