Bằng chứng Việt Nam thực thi chủ quyền đầy đủ ở Hoàng Sa - Trường Sa
Việc thực thi đó được lưu giữ bằng văn bản hành chính nhà nước có sự phê duyệt của nhiều cấp. Đó là những châu bản triều Nguyễn vô cũng quý giá.
Những mốc chủ quyền không thể tranh cãi
Theo cứ liệu lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc như Hải ngoại Ký sự (Trung Quốc, viết năm 1696) Phủ biên tạp lục (viết năm 1776), Đại Nam thực lục tiền biên (1821), Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686) đều đã đề cập đến sự có mặt của Hải đội Hoàng Sa của Việt Nam.
Một đội gồm những tráng binh, dân binh được Nhà nước (thời Nhà Nguyễn) cử đi ra Hoàng Sa khảo sát đo đạc, nắm tình hình, khai thác sản vật nộp cho nhà vua. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì quá trình xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ thời trước giai đoạn Trịnh- Nguyễn phân tranh (trước thế kỷ XVII).
Bìa sách Đại Nam thực lục |
Còn Trường Sa, tại buổi họp báo Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử được tổ chức tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sủ Việt Nam, khẳng định: “Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, cuối thế kỷ XVII, khi đó nước Việt Nam đã chính thức thực thi chủ quyền với miền Đông Nam Bộ, quản lý khu vực phía nam Biển Đông.
Đến năm 1711, sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu trở về Huế tạ ơn giao cho làm tổng trấn Hà Tiên. Lúc đó, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Mạc Cửu công việc rất quan trọng đó là tổ chức khảo sát, đo vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (Tức quần đảo Trường Sa ngày nay). Như vậy khẳng định một cách chắc chắn rằng năm 1711, Trường Sa chính thức thuộc quyền cai quản, quản lý của chúa Nguyễn Phúc Chu”.
Kết thúc thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, vua Gia Long lật đổ Nhà Tây Sơn, đã thực hiện nhiều hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội để xây dựng và củng cố vương triều, trong đó vua Gia Long rất quan tâm tới cương giới trên biển. Một trong các hoạt động quản lý miền biên hải của vua Gia Long là sai thủy quân, một binh chủng trong quân đội cùng đội Hoàng Sa tiến hành khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Theo Đại Nam thực lục chính biên, năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815), nhà vua cử Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển, đến tháng 3 mùa xuân năm Gia Long thứ 15 (1816), nhà vua tiếp tục sai thủy quân và Đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường biển.
GS Nguyễn Quang Ngọc (ảnh Tiến phong) |
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua Châu bản các triều Nguyễn
Theo sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820, lấy hiệu là Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh tiếp tục chính sách củng cố vương triều của tổ tiên. Về bộ máy hành chính, vua Minh Mệnh đã đặt thêm cơ quan Nội các để giúp nhà vua thực thi công việc điều hành đất nước. Trong đó, có công việc thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Căn cứ vào các châu bản, các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi chủ quyền trên hai quần Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm cơ quan nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lại và các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định… Bộ Binh đảm nhiệm công việc điều quan, tuần tra cương giới lãnh thổ trên biển. Bộ Công đảm nhiệm công việc khảo sát, xây dựng, quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực hiện ý chỉ của nhà vua, nhiều đoàn khảo sát đã tới xứ Hoàng Sa. Nội dung công việc của mỗi đoàn có khác nhau. Có đoàn đi thăm dò đường biển, có đoàn làm nhiệm vụ đo vẽ bản đồ, có đoàn mang cọc gỗ đi cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa. Tờ châu bản đề ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của bộ Công cho thấy viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đi cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Trên tờ châu bản này có hai dòng chữ. Một là, Mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc. Hai là, thuyền nào đến đâu thì lập tức cắm cọc làm mốc. Đây là chữ viết của vua Minh Mệnh. Từ các dòng chữ này cho thấy quyết tâm của nhà vua đối với việc thực thi chủ quyền trên xứ Hoàng Sa.
Việc cắm mốc ở Hoàng Sa không chỉ là nhiệm vụ của quân đội. Theo một văn bản của người Chăm trên đảo Phú Quý, người dân cũng đã chuẩn bị đầy đủ ba thuyền cùng dân đinh và ngư phủ ra Hoàng Sa, Trường Sa hỗ trợ việc cắm mốc theo chỉ dụ.
Mỗi đoàn khảo sát Hoàng Sa đều có báo cáo. Châu bản ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh mệnh thứ 19 (1838) cho biết kết quả của đoàn đi khảo quần đảo Hoàng Sa năm 1838: Đoàn khảo sát được 25 đảo (trong đó đã đi khảo sát lại 12 đảo mà các đoàn trước đã đến và khảo sát được 13 đảo chưa có đoàn nào đến).
Một trong những trang châu bản triều Nguyễn |
Thời Thiệu Trị (1841-1847), các nhà nghiên cứu đã tìm được hai văn bản mang nội dung liên quan tới công việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem xét hai tờ châu bản này thì thấy cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi công việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn hoạt động theo những qui định của nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn vua Thiệu Trị trị vì đã xảy ra nhiều biến động lịch sử nên công việc khảo sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải tạm dừng.