Bản tin Hoàng Sa 23/5: Trung Quốc lại xuyên tạc về công hàm 1958
*Hôm nay, dư luận Việt Nam phẫn nộ vì một bài báo tiếng Nga được Hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải ngày 19/5/2014 đã đưa tin sai hoàn toàn bản chất vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông. Theo tờ báo này, Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào vùng biển chỉ cách quần đảo Tam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) 27km, trong khi đó cách bờ biển Việt Nam tận 241km.
Tác giả bài báo, ông Dmitry Kosirev, một nhà bình luận về chính trị của Nga, thậm chí còn xuyên tạc về lịch sử của Việt Nam, nói rằng Việt Nam là vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm. Thậm chí, ông này còn sáng tác rằng “Việt Nam đã sử dụng thợ lặn, tàu để ngăn cản Trung Quốc”.
Bài báo của tác giả Dmitry Kosirev mượn quan hệ Nga - Trung Quốc để xuyên tạc về tình hình trên Biển Đông hiện nay. Bài đăng ngày 19/5/2014. |
*Phản ứng lại với bài báo này, Ông Andrey G. Kovtun, đại sứ Liên Bang Nga tại Việt Nam đã nhận xét: “Đây không phải là quan điểm của lãnh đạo Nga”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV – cũng đã gửi thư ngỏ đến TĐG tổ hợp truyền thông 'Nước Nga ngày nay' sau bài báo xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nhà báo Trần Đăng Tuấn tỏ ra buồn lòng khi mà người Việt Nam đang cần những người hoà giải nhằm tránh những tai hoạ có thể đo bằng xương máu, lại nghe thấy những lời lẽ thiếu thiện chí như thế, và xét về tác động chính trị (nếu có) là nguy hiểm.
*Không chỉ dừng lại ở đó, phía Trung Quốc còn cho đăng tải các thông tin làm dư luận hiểu sai lệch về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung Quốc trong năm 1958. Trong cuộc Họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng khẳng định Trung Quốc cố tình viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. |
Theo đó, khi Pháp thuộc, Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo trên, phản đối các yêu sách của nước khác về hai quần đảo này. Tại Hội nghị San Francisco, phái đoàn Liên Xô đã đề nghị trao Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng 49/51 quốc gia đã phản đối. Trưởng phái đoàn Việt Nam, Trần Văn Liệu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam nhưng không gặp phản đối của bất cứ ai. Hiệp định Geneve, Pháp rút khỏi Việt Nam, sau đó, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản chủ quyền với hai quần đảo. Việt Nam Cộng hòa đã có hành vi thực hiện chủ quyền hai quần đảo này. Trung Quốc tham gia hiệp định Geneve 1954 nên họ phải tôn trọng thực tế này.
Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối hành động này. Hành vi cưỡng chiếm là trái phép, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc. Bị vong lục của Trung Quốc năm 1958 cũng công nhận xâm lược không đem lại chủ quyền. Thực tế, đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Việc Trung Quốc nói có chủ quyền ở Hoàng Sa là không đúng.
*Cũng trong ngày, Nhà Trắng ngày tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng hành động pháp lý đối với Trung Quốc để giải quyết việc Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. “Nước Mỹ có lợi ích quốc gia trong duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng luật pháp quốc tế; các hoạt động thương mại tự do hợp pháp; và tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông”, phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell trả lời các câu hỏi của Reuters về phản ứng của Washington trước các tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell |
“Nước Mỹ ủng hộ việc sử dụng công cụ ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để xử lý và giải quyết các bất đồng, bao gồm việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế luật pháp quốc tế khác”, ông Ventrell tuyên bố.
*Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 23/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ ra nghị quyết về tình hình Biển Đông. Theo chương trình làm việc của quốc hội Mỹ, nhiều khả năng nghị quyết này sẽ được thông qua trước ngày 26/5/2014.
*Trước đó, Báo Thanh Niên có đăng tải thông tin bên lề cuộc thảo luận tại tổ sáng nay về tình hình kinh tế xã hội. Theo Thanh Niên, Trưởng đoàn Đại biểu (ĐB) Lào Cai Phạm Văn Cường cho biết, Trung Quốc có hành vi ép người dân phải ký vào bản đồ mới cho nhập cảnh. Ông khẳng định, việc Trung Quốc cắm giàn khoan xâm phạm vào vùng biển Việt Nam khiến người dân vô cùng bức xúc. Đây là một âm mưu dài hơi, có lộ trình và được chuẩn bị kỹ lưỡng để độc chiếm biển Đông.
Tại cuộc Họp báo về tình hình Biển Đông, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Infonet, ông Lê Hải Bình – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – cho biết các cơ quan chức năng VN chưa nhận đc thông tin này. Nếu có, sẽ tuân thủ theo luật pháp quốc tế để xử lý vấn đề.
*Báo VTC đã có phóng sự về hoạt động của người dân ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh. Theo VTC, mọi hoạt động ở các cửa khẩu không có gì khác thường. Và chắc chắn không có chuyện đóng cửa khẩu như một số trang thông tin cá nhân trên mạng đồn thổi. Các đoàn khách du lịch có giảm đi đôi chút nhưng không đáng kể. Các tour du lịch đã đăng ký trước vẫn đưa đón khách bình thường. Tại các công trình xây dựng cửa khẩu, công nhân, máy móc thi công vẫn ầm ào tạo nên một không gian náo động.
Khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. |
*Trên thực địa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, nhiều tàu cá Trung Quốc hành nghề câu mực xếp theo đội hình xen kẽ với các tàu Hải cảnh Trung Quốc. Theo tờ Tấm gương, suốt chiều dài đoạn đường di chuyển khoảng 5 hải lý, phóng viên đã ghi lại cảnh hàng chục tàu cá Trung Quốc cỡ lớn (khoảng gấp đôi tàu ngư dân Việt Nam) đang đánh bắt. Khi tàu cảnh sát biển đi qua, thậm chí có tàu sắt cỡ lớn lao ra như thách thức. Trong đó, có 5 tàu sắt của Trung Quốc xếp ngoài cùng với khoảng cách 500m để bảo vệ đội hình cho những tàu gỗ khác hoạt động.
*Trước việc Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia có bài báo ngày 20/5 đã xuyên tạc sự thật đang diễn ra tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, tờ Jakarta Post sau đó đăng tải những ý kiến phản hồi của dư luận, trong đó hầu hết đều bày tỏ sự giận dữ trước các hành động sai trái của Trung Quốc. Hầu hết độc giả báo Indonesia đã cực lực lên án bài viết xuyên tạc này của đại biện Trung Quốc.