Bản tin Hoàng Sa 21/5: ASEAN và Trung Quốc hội đàm về Biển Đông
* Trong phiên điều trần diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào sáng nay (theo giờ Việt Nam), các nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt trước hàng loạt các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian qua.
Ngay trong phần hỏi đáp đầu tiên với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Hạ nghị sỹ Daniel Russel đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam và khai hoang trái phép tại bãi đá Gạc Ma.
Ông Russel cho biết, chính phủ Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 1,2 tỷ USD dành cho các hoạt động tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2015, bao gồm hơn 800 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài.
Mỹ dự kiến sẽ cung cấp 18 triệu USD để tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Việt Nam trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm hoạ và các hoạt động khác.
* Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 8 ở thủ đô Naypyitaw (Myanmar), diễn ra từ 19 – 21/5. Tại đây, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Singapore, các bộ trưởng đã thảo luận những vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là các biện pháp làm giảm căng thẳng trên biển Đông. Đặc biệt, tại cuộc họp bên lề ADMM+1 với Trung Quốc, ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ những điều khoản trong bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đồng lòng kêu gọi Trung Quốc thực hiện các cam kết an ninh với khu vực. |
Về phía Trung Quốc, nước này đã đề nghị gặp gỡ các quan chức bộ quốc phòng ASEAN vào năm sau tại Bắc Kinh.
Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ các vấn đề và quan điểm của Việt Nam về Biển Đông. Chiều 20/5, bên lề Hội nghị ADMM-8, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí. Trong buổi phỏng vấn, ông khẳng định Việt Nam không chủ trương sử dụng vũ lực trước trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981.
* Hôm nay, trong phiên họp buổi sáng tại hội trường, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội quanh vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) Đặng Ngọc Tùng cho biết: “Là một người dân Việt Nam, tôi cực lực phản đối hành động ngang ngược của Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa. Chúng ta không thể nào chấp nhận Trung Quốc vi phạm vào chủ quyền thiêng liêng của đất nước ta”.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, chúng ta phải thật bình tĩnh, thật khôn ngoan để xử lý vấn đề này sao có lợi cho đất nước nhất chứ không thể manh động.
* Trên các diễn đàn phân tích quốc tế, các chuyên gia nước ngoài tiếp tục có các bình luận về vấn đề Biển Đông. Quan điểm chung của các chuyên gia nước ngoài là Trung Quốc đang cố tình phá vỡ sự yên ổn trong khu vực, hành động trái ngược hẳn với tiêu chí “trỗi dậy hòa bình” do các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố.
Nhà phân tích Philip Bowring trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) nhận định lối cư xử hung hăng, ngạo mạn của Trung Quốc cùng việc cải biên một cách sai lệch lịch sử khu vực Đông Nam Á đang "đổ thêm dầu vào lửa" vào tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Còn theo nhận định của tờ The Diplomat, Trung Quốc không hề muốn “trỗi dậy hòa bình” ở Biển Đông, vì từ trước đến nay, quốc gia này luôn ngạo mạn xem khu vực thuộc chủ quyền của mình.
* Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đưa ra nhận định cho biết, Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao. Một bài viết được đăng trên website đối ngoại của Hội đồng châu Âu cũng đã chỉ rõ: Hành động của Trung Quốc khi “đưa giàn khoan lớn và đắt đỏ cùng lực lượng bảo vệ bao gồm cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống tàu ngầm, máy bay đến Biển Đông” và dùng vòi rồng phun vào thủy thủ Việt Nam là “hành động xảo quyệt”.
* Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đã đăng tải bài viết trên trang web chính thức của đài này về những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam trong việc ổn định tình hình tại các khu công nghiệp sau cuộc biểu tình của các công nhân vào tuần trước. Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực để duy trì trật tự và bảo vệ các nhà máy nước ngoài, nhằm lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư ngoại. Hầu hết công ty Trung Quốc và Đài Loan tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương đã trở lại hoạt động bình thường.
Công nhân Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM) đã trở lại làm việc ẢNH: NGÂN HÀ - Báo Lao Động. |
Cơ quan báo chí của Đài truyền hình Tokyo - Nhật Bản TBS cũng khẳng định, nhiều nhà máy chịu thiệt hại từ các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại từ ngày 19/5, sau khi Chính phủ Việt Nam nỗ lực kiềm chế các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Báo điện tử NNA - tờ báo uy tín của Nhật Bản, đại diện Tập đoàn công nghiệp SYM (Đài Loan) cho biết, nhà máy SYM tại Đồng Nai hoàn toàn không bị ảnh hưởng cũng như không có chuyện sản xuất bị đình trệ bởi cuộc biểu tình của công nhân.
Mặc dù nhiều công ty Đài Loan tại Việt Nam phải chịu ảnh hưởng từ đợt tuần hành phản đối Trung Quốc vừa qua, nhiều chủ công ty cho biết họ sẽ giữ nguyên kế hoạch mở rộng làm ăn tại Việt Nam trong thời gian tới, tờ Digitimes của Đài Loan đưa tin.
Theo một nguồn tin, các công ty trụ sở Đài Loan sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam theo kế hoạch vì các đối tác như Samsung Electronics và Canon vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động.
Trong bối cảnh chi phí nhân công tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt lao động thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan đã chọn giải pháp đặt thêm nhà máy tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được đánh giá cao hơn Indonesia và Philippines.
Bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Mỹ quan tâm đến việc trừng phạt Trung Quốc vì đã đưa giàn khoan trái phép Hải Dương-981 vào vùng chủ quyền Việt Nam. Ảnh chụp màn hình website của Nhà Trắng. |
* Trên trang mạng chính thức của Nhà Trắng ngày 13/5 xuất hiện một bản kiến nghị bằng tiếng Anh yêu cầu chính quyền Obama trừng phạt Trung Quốc về việc nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo quy định của Nhà Trắng, bản kiến nghị cần ít nhất 150 chữ ký để được hiện diện trên trang web Nhà Trắng và cần ít nhất 100.000 chữ ký trước ngày 12.6 để buộc Nhà Trắng phản hồi. Tính đến chiều ngày 21/5, đã có 9.660 chữ ký.