Bạch Long Vĩ- 'vòng tay người mẹ' giữa sóng ngàn khơi
Gặp lại đất liền giữa trùng khơi
Theo lời mời của Đoàn Thanh niên TP. Thái Nguyên, đầu tháng 9/2014, PV Báo điện tử Infonet cùng đoàn ra thăm đảo Bạch Long Vĩ. Sau môt đêm, tàu Bạch Long lênh đênh trên sóng Vịnh Bắc Bộ, trời sáng, đảo Bạch Long Vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi như vòng tay của người mẹ ôm con. Những con thuyền nhấp nhô trên âu tàu như những đứa con vẫy vùng ra khơi rồi về ngủ ngoan trong lòng mẹ.
Buổi sáng khi tàu xuất hiện, nơi đây bỗng trở nên náo nhiệt lạ thường, bà con tíu tít ra nhận hàng từ đất liền. Bước chân của những thanh niên lần đầu tiên ra đảo mừng rỡ sau cả một đêm say sóng chuếnh choáng bỗng gặp lại đất liền trong tầm mắt. Cảm giác bừng tỉnh.
Trước mắt chúng tôi, hình thế đảo là một quả núi nhô cao giữa biển, khu vực phía Tây Nam địa hình thấp dần phía trong, tạo thành một vũng lớn, chính quyền địa phương đã tận dụng hình thế này xây dựng âu tàu tránh trú bão.
Đi bộ chừng 500 m, nhà của Tổng đội thanh niên xung phong đã hiện lên trước mắt gọn nhẹ nhưng kiên cố. Nơi đây có nhiều thanh niên từ đất liền (Hải Phòng) tình nguyện ra đảo lập thân lập nghiệp. Cả tổng đội có khoảng vài chục người. Nhiều cặp vợ chồng đã bén duyên và cùng làm việc ở đây. Khi được hỏi nguyện vọng sau này, nhiều thanh niên trẻ không chần chừ: “Em muốn lấy vợ sinh sống ở đây”.
Một góc Bạch Long Vĩ, ảnh chụp từ ngọn hải đăng (Ảnh Hồng Chuyên) |
Vậy có gì khiến hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc hấp dẫn đến thế?
Theo Sách Biên niên sự kiện đảng bộ Bạch Long Vĩ, Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi rồng trắng”. Hòn đảo này còn có tên gọi khác như đảo Vô Thủy (đảo không nước) Phù Thủy Châu (hòn ngọc nổi trên mặt nước), Hải Bào Châu (xứ sở của bào ngư). Đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, diện tích phần nổi 2,5 km2.
Đây là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn-Hải Phòng) 110 km, tọa độ của đảo là 20007’35’’- 20008’38’’ Vĩ Độ Bắc, 107042’20’’- 107044’15’’ Kinh độ Đông. Từ trên cao nhìn xuống đảo hình tâm giác chu vi 6,5 km., đỉnh cao nhất 61,5m so với mực nước biển trung bình. Địa hình ven bò đảo thoai thoai, độ dốc thấp, nơi rộng nhất 500m nơi hẹp nhất 10m, cách mặt nước biển khi triều cường (cao nhất) từ 2 đến 3m, khá bằng phẳng, là nơi tập trung chủ yếu các hoạt động kinh tế dân sinh trên đảo.
Tài nguyên biển Bạch Long Vĩ là một ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có diện tích 1.500 hải lý vuông, độ sâu trung bình 35-55 m (nơi sâu nhất 60-70m) nền đáy tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc đánh bắt hải sản. Có thể nói vùng biển Bạch Long Vĩ là ngư trường tốt nhất của Vịnh Bắc Bộ cả về sản lượng, chất lượng hải sản và thời gian khai thác. Qua nghiên cứu vùng biển Bạch Long Vĩ có tới 395 loài, 229 giống thuộc 105 họ Hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao. Đơn cử Bào ngư sản lượng tươi đạt khoảng 10 tấn/năm. Cá Song, cá Mú sản lượng khai thác 40-50 tấn/năm…
Đảo Bạch Long Vĩ nhìn từ lịch sử
Đảo Bạch Long Vĩ thường được gọi là “đảo Thanh niên” với phần đông là lực lượng thanh niên xung phong ra làm kinh tế và xây dựng đảo. Theo nhiều người kể lại, những nữ thanh niên xung phong đầu những năm 60 ra xây dựng đảo, do đảo không có nước ngọt đã phải cạo trọc đầu để tiết kiệm nước ngọt. Nay, nước ngọt đã đủ cung cấp cho cư dân đảo, đồng thời là nơi cung cấp nước ngọt cho các tàu đánh cá ở khu vực này.
Lịch sử đảo được ghi lại, Đảo Bạch Long Vĩ tồn tại lâu đời, đến năm 1887, Pháp ký với Nhà Thanh hoạch định biên giới trên biển giữa Pháp và Thanh, đảo Bạch Long Vĩ thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những năm đầu thế kỷ XX, trên đảo bạch Long Vĩ vẫn không có dân sinh sống vì không có nước ngọt. Đảo chỉ là nơi trú bão của ngư dân đi đánh cá. Mãi đến năm 1920, khi tìm thấy nguồn nước ngọt trên đảo, người dân mới ra sinh sống, lập nghiệp.
Năm 1937, triều đình phong kiến nhà Nguyễn, thời kỳ vua Bảo Đại, phái người tới lập đồn và thiết lập chế độ lý trưởng trên đảo.
Hòa bình lập lại, ngày 15/02/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 049-TTg quy định đảo Bạch Long Vĩ là một xã trực thuộc Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng. Từ năm 1957 đến năm 1959, xã Bạch Long Vĩ thuộc huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Từ năm 1958 đến trước ngày 05/08/1964, trên đảo có 160 hộ dân làm nghề đánh cá và bộ đôi canh giữ đảo.
Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ quân và dân huyện đảo Bạch Long Vĩ đã anh dũng kiên cường bám trụ đảo, đánh 118 trận, bắn rơi được 23 máy bay Mỹ. Ngày 31/12/1973, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh số 109-LCT tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhiều đơn vị cá nhân, trong đó, đảo Bạch Long Vĩ được phong là “Đảo anh hùng”.
Cho đến nay, người dân trên đảo Bạch Long Vĩ đang từng ngày từng giờ lao động sản xuất và bảo vệ, xây dựng đảo tiền tiêu của tổ quốc.
Ngày 28/04/2000, UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 702/QĐ-UBND về việc thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng. Trong quyết định ghi rõ: “Thành lập Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng với lực lượng nòng cốt là Đội Thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ”. Tổng đội Thanh niên xung phong như một tổ chức pháp nhân chịu sự quản lý của Ban Chấp hành Thành đoàn Hải Phòng.
Đến đảo Bạch Long Vĩ, đến hòn đảo tuyệt đẹp, kiên cường giữa trùng khơi, nhìn thấy quân dân vững vàng bám trụ xây dựng đảo, và hiểu về lịch sử xây dựng phát triển đảo, chúng ta không thể không tự hào về sức sống, quyết tâm giữ vững chủ quyền của con người Việt Nam. Tuy nhiên, giá như nơi đây được xây dựng sớm hơn để trở thành một nơi hậu cần nghề cá, cứu hộ cứu nạn, phát triển du lịch và bảo tồn hải sản quý như quy hoạch thì đây hẳn sẽ là một 'thiên đường' tuyệt đẹp giữa trùng khơi biển đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc.