Bác sĩ cảm động trước nghị lực của những bệnh nhân U90 chiến thắng Covid-19
Nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhưng họ có nghị lực sống mãnh liệt, mong muốn trở về với con cháu, nên đều cố gắng hợp tác điều trị để vượt qua Covid-19
Hơn 30 ngày ở tâm dịch Bình Dương của bác sĩ già: 'Tâm bão là nơi bình yên nhất'
Hơn 30 ngày vào hỗ trợ Bình Dương điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quốc tế Becamex – nơi điều trị cho bệnh nhân tầng 2 và bệnh nhân nặng, TS Dân đã sụt 6 kg, nhưng với ông đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
BS. Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Dã chiến số 3, chia sẻ trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị G. 80 tuổi ở quận 5, TP.HCM vào Bệnh viện dã chiến từ giữa tháng 8. Cả gia đình bà G. có 11 người là F0 và đều nhập viện, trong đó 3 người phải thở máy HFNC và 2 người thở oxy mask.
Ngay bản thân bà G. vào thời điểm nhập viện, tình trạng của bà vô cùng nguy kịch. Bệnh nhân vừa tuổi cao lại có kèm bệnh nền nên bà G. nhanh chóng chuyển biến xấu. Bà đã được các y bác sĩ túc trực theo dõi ngày đêm, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp điều trị.
Những ngày tháng ở bệnh viện, bà G. luôn nằm trong danh sách những bệnh nhân cần được theo dõi sát tại phòng cấp cứu. Bệnh nhân phải thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC). Các bác sĩ đều lên sẵn phương án cho bệnh nhân và có thể sẽ phải can thiệp đặt nội khí quản bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, ngoài sự chăm sóc của nhân viên y tế, bệnh nhân có ý chí, nghị lực sống và tinh thần kiên cường, mạnh mẽ. Khi các thành viên khác trong gia đình bà G. sau nhiều tuần đều khỏe mạnh dần và xuất viện càng giúp bệnh nhân thêm ý chí muốn được về với con cháu. Đây chính là động lực giúp bà vượt lên, chiến thắng bệnh tật. Ngày 29/9, bệnh nhân đã được ra viện trong niềm vui của cả bệnh viện cũng như gia đình.
Những bệnh nhân U90 chiến thắng Covid-19 bằng nghị lực của bản thân. |
Bác sĩ Phạm Minh Huy – khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy – Trưởng khoa 7A bệnh viện Hồi sức Covid- 19, chia sẻ khi 2 bệnh nhân “đặc biệt” của khoa 7A bệnh viện Hồi sức Covid -19 được xuất viện, sau những ngày đối diện với lằn ranh mong manh của sinh tử.
Trong ngày xuất viện về với gia đình, nếu bệnh nhân H.T. Đ (sinh năm 1937, bị câm, điếc bẩm sinh) dùng mọi cử chỉ, khẩu hình để thể hiện sự tri ân với đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên tại đây thì sơ N. T. U (sinh năm 1936) lại chào tạm biệt các lực lượng tuyến đầu bằng ngôn ngữ của nhiều nước: Anh, Pháp, Ý…
Nhập viện trong tình trạng nguy kịch trên cơ địa là người lớn tuổi, có bệnh nền, hai bệnh nhân “đặc biệt” này đã để lại không ít ấn tượng cho đội ngũ tuyến đầu cùa Bệnh viện Hồi sức Covid- 19 trong hành trình nỗ lực giành sự sống cho người bệnh.
Cùng giơ tay hưởng ứng biểu cảm “tri ân” của bệnh nhân H.T. Đ trước khi xuất viện, bác sĩ Phạm Minh Huy – khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy – Trưởng khoa 7A bệnh viện Hồi sức Covid- 19, chia sẻ khi điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ không dám kỳ vọng nhiều khi tiếp nhận bệnh nhân. Có những lúc, ekip điều trị tưởng như phải buông tay, bởi 2 bệnh nhân đều có bệnh nền tăng huyết áp, có bệnh nhân bị đột quỵ não cũ, bệnh thận mạn, thiếu máu nặng, có thời điểm còn bị viêm phổi, suy hô hấp rất nặng… Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, ekip chăm sóc phải học cách tiếp xúc với bệnh nhân, kỹ năng chăm sóc bệnh nhân “đặc biệt”, liên lạc với người nhà để nhờ thân nhân chia sẻ thêm…
Thế nhưng, điều động viên nhất cho bác sĩ chính là nghị lực và sự hợp tác của các bệnh nhân. Bất kể lúc nào được hướng dẫn, các bệnh nhân đều rất kiên nhẫn tập luyện theo.
“Có thể nói, chỉ nhìn các cụ được xuất viện là chúng tôi càng có thêm động lực củng cố niềm tin, có thêm kỳ vọng khi tiếp nhận những trường hợp tương tự” – BS Huy tâm sự.
Khánh Chi