Hơn 30 ngày ở tâm dịch Bình Dương của bác sĩ già: 'Tâm bão là nơi bình yên nhất'
Hơn 30 ngày vào hỗ trợ Bình Dương điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quốc tế Becamex – nơi điều trị cho bệnh nhân tầng 2 và bệnh nhân nặng, TS Dân đã sụt 6 kg, nhưng với ông đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
TS Dân đã về hưu nhưng khi dịch xảy ra ở miền Nam ông có tình cảm đặc biệt với vùng đất này nên đau đáu làm sao để được vào hỗ trợ. Gia đình ngăn cản, bạn bè cũng khuyên nhất là các đồng nghiệp trẻ.
BS Dân chia sẻ “khi biết tin tôi định đi vào vùng dịch, một người bạn gửi cho tôi một thống kê về tử vong do Covid-19 của WHO, trong đó cho thấy so với người ở độ tuổi 20, thì những người trên 60 như tôi, nếu mắc Covid-19 thì tỷ lệ nhập viện cao hơn gấp 4 lần, tỷ lệ tử vong cao gấp 35 lần. Các cháu ở khoa khi biết tin tôi xin đi thì chúng nó trầm hẳn xuống, nói: người ta tránh không được, bác đi làm gì. Còn vợ con thì ngay từ đầu đã ngăn cản rồi. Nhưng tôi biết nếu tôi không đi thì tôi cũng rất khó sống với cái dằn vặt vì đứng ngoài cuộc chống dịch, nên vẫn quyết tâm đi. Và đến tận bây giờ vẫn chưa bị nhiễm. Nên bài học rút ra là: Tâm bão là nơi bình yên nhất”.
Vào bệnh viện điều trị Covid-19 nhưng do cách tổ chức rất khoa học của BV Đại học Y, phân chia rõ ràng các khu vực hợp lý theo xanh, vàng, đỏ. Cơ sở vật chất của bệnh viện tốt nhờ đó mà tất cả đội ngũ nhân viên không bị lây nhiễm Covid-19.
BS Dân hồ hởi “quãng đời 60 năm của mình, tôi chưa khi nào sạch đến thế, ngày tắm 3 lần, suốt trong 37 ngày”.
BS Dân chụp ảnh cùng đồng nghiệp. |
Khi vào cuộc chiến liên tục hơn 30 ngày không nghỉ, TS Dân cảm nhận mình đã bào mòn sức khỏe, làm việc quá sức, mất nước liên tục, thường xuyên căng thẳng tinh thần, ông đã sụt 6 kg. Mỗi ngày làm việc quá căng thẳng nên bác sĩ Dân luôn tự tìm cho mình niềm vui trong công việc. Ông cố gắng đi buồng nhiều hơn xem xét các bệnh nhân đang thở máy có khá hơn chút nào không, bệnh nhân suy thận có nước tiểu chưa, bệnh nhân tràn khí dưới da có giảm chút nào không.
Ngoài ra, bản thân cũng tự tìm các mốc ngắn hạn để vượt qua như sắp trưa rồi, sắp tới giờ về rồi, mỗi ngày ông đều tự dặn mình cố lên từng nấc, từng nấc một.
Đến hiện tại, khi chia tay Bình Dương trở về, bản thân ông vẫn cảm thấy áy náy vì dịch bệnh còn. Cuộc chiến ở tầng bệnh nặng nhất vẫn đang tiếp diễn. Ở các tầng dưới bệnh nhẹ hơn đang ra viện, quy mô giảm dần.
Hơn 1 tháng ở tâm dịch dù vất vả, bác sĩ Dân nhận thấy mình được nhiều hơn mất. Ông được hoà mình vào cuộc chiến chống Covid-19 với các đồng nghiệp. Ông đùa có lẽ những trải nghiệm công việc này sẽ bằng 40 năm làm nghề y.
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh này cũng khốc liệt, số người ra đi nhiều quá, rất ám ảnh. Bản thân bác sĩ Dân phải tự mình vượt qua bức tranh u ám ấy bằng chút ánh sáng ấm áp.
TS Dân cùng với bệnh nhân Covid-19. |
“Dịch bệnh đau thương này rồi sẽ qua đi, nhưng những tổn thương về vật chất và tinh thần sẽ còn lâu mới khắc phục hoàn toàn. Bản thân tôi cũng vậy. Cái cảm giác buồn, day dứt, áy náy chắc sẽ còn lâu mới nguôi ngoai. Chỉ có tình nghĩa đồng bào sẽ dần xoa dịu những vết thương lòng”- BS Dân chia sẻ.
Điều BS Dân vui là những bệnh nhân đầu tiên của ông, được chính ông chăm chút tỷ mỉ, tự tay ghi chép cho thuốc hàng ngày. Trong 7 bệnh nhân đầu tiên ấy có chắc chắn 3 người sống sót và nay đã ra viện hoặc chuẩn bị ra viện. Và với ông đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Vượt hơn 2000 km vào miền Nam, bác sĩ Dân tin rằng những ngày khốc liệt đó đã giúp ông đỡ dằn vặt vì không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch bệnh. Mang theo chút áy náy trở về miền Bắc, TS Dân tin rằng các đồng nghiệp của ông ở lại sẽ giúp những người bệnh được trở về cuộc sống của mình sớm hơn.
K.Chi