Những khác biệt giữa cơn hoảng loạn với đau tim và cách đối phó
Các cơn hoảng loạn có thể được kích hoạt bởi căng thẳng tột độ, trầm cảm hoặc kiệt sức - trạng thái lo lắng hoặc hoảng sợ nghiêm trọng kèm theo tim đập nhanh và cảm giác nghẹt thở. Làm thế nào để phân biệt cơn hoảng loạn với cơn đau tim? Làm gì trong trường hợp xảy ra cơn hoảng loạn? Bác sĩ Irina Golotina, một nhà trị liệu tại INVITRO-Rostov-on-Don bật mí cách dễ dàng để phân biệt điều này.
Về triệu chứng
Cơn hoảng loạn và cơn đau tim có các triệu chứng tương tự - đánh trống ngực, khó thở, đổ mồ hôi và đau ngực. Tuy nhiên, nếu bị hoảng loạn, các triệu chứng có thể kéo dài khoảng 20 phút rồi biến mất, trong khi các triệu chứng của cơn đau tim không biến mất cho đến khi nhận được sự chăm sóc y tế.
Ngoài ra, bệnh nhân thường cảm thấy các triệu chứng cảnh báo trước cơn đau tim thường là vài ngày trước đó, và cơn đau tim thường xuất hiện khi hoạt động thể chất.
Về cơ sở phân biệt
“Nếu một người trẻ không có yếu tố bị đau ngực thì khả năng bị nhồi máu cơ tim là rất thấp, nhưng đau ngực ở một người đàn ông 50 tuổi hút thuốc nhiều năm và mắc bệnh tiểu đường rất có thể báo hiệu một cơn đau tim. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Các yếu tố nguy cơ chính của cơn hoảng loạn là sức khỏe tâm thần, nhưng trong trường hợp đau tim liên quan đến tình trạng thể chất.
Các dấu hiệu quan trọng để phân biệt cơn hoảng loạn và cơn đau tim chính là tuổi, cholesterol, trọng lượng cơ thể, huyết áp và các yếu tố khác”, bà Irina Golotina nhấn mạnh.
Cách phân biệt
Bản chất của cơn đau có thể xác định qua các dấu hiệu đi kèm. Đau nhói sau xương ức hoặc đau tập trung ở một vùng nhỏ thường là liên quan đến cơn hoảng sợ. Cơn đau này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và kéo dài khoảng 5-10 giây. Trong cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân đau tức ngực do ấn, bóp, lan xuống cánh tay trái, có thể lan ra cánh tay phải, cổ, vùng liên mấu chuyển.
Cách đối phó
Cách đối phó với cơn hoảng loạn: Nếu gặp cơn hoảng loạn, bác sĩ khuyên bạn nên chú ý đến hơi thở - bạn cần thở bằng bụng, tập trung vào việc thở ra. Đối phó với cơn hoảng loạn quan trọng nhất là phải ổn định tâm lý.
“Để làm được điều này, bạn cần phải đứng trên cả hai chân, tưởng tượng rằng nỗi sợ hãi xuyên qua bạn xuống đất, hãy nắm lấy một thứ gì đó. Nếu có ai đó ở gần, tốt hơn là bạn nên nói với họ về điều đó, rằng bạn đang trải qua một cơn hoảng loạn và bạn cần được giúp đỡ. Bạn có thể cố gắng diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời nói: nói to từng cảm giác, nói với người khác rằng bạn sợ hãi. Nói lên nỗi sợ hãi của mình cũng là cách giảm lo lắng”, chuyên gia Golotina khuyên.
Cách đối phó với cơn đau tim: Nếu bạn nghĩ bạn hoặc một người xung quanh đang có các dấu hiệu của đau tim, nên nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc nhờ bạn bè, người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đến khoa cấp cứu, hãy nói ngay là đang bị đau tim để được chú ý và can thiệp ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi đưa đến cơ sở y tế, có thể áp dụng một số cách sơ cứu người bị đau tim như sau:
Nới rộng quần áo ở cổ, ngực, bụng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đầu và vai được nâng đỡ, đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim. Cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, tránh hoảng loạn.
Sử dụng thuốc aspirin: Nhai một liều aspirin dạng viên nén (300mg) để giúp làm tan cục máu đông và làm giảm thiểu tổn thương cơ tim. Không được dùng trong trường hợp bị dị ứng hoặc có các chống chỉ định đặc biệt mà bác sĩ không cho sử dụng.
Dùng Nitroglycerin hoặc các thuốc khác đã được bác sĩ kê đơn trước đó để sơ cứu người bị đau tim. Không dùng các thuốc tim mạch của người khác vì có thể khiến bệnh nhân gặp các tình huống nguy hiểm hơn.
Nếu tình trạng của bệnh nhân nguy kịch, hãy tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) cho bệnh nhân.
Nếu có thể, hãy sử dụng máy khử rung tim tự động bên ngoài AED cho bệnh nhân, máy sẽ phát ra các sốc điện để điều chỉnh tình trạng nhịp tim bất thường, khi đã gắn máy AED vào người, hãy luôn bật máy ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục.
Để làm rõ bệnh, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc tâm lý trị liệu. Không nên tự phán đoán dẫn đến chẩn đoán sai, ảnh hưởng đến sức khỏe và bỏ lỡ mất quá trình điều trị.
Hạ Thảo