Bạc Liêu: Lồng ghép phát triển kinh tế biển với chống biến đổi khí hậu
Trong kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu đưa ra nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
Bạc Liêu đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển, tỉnh Bạc Liêu đưa các giải pháp cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao vào các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; tập trung nguồn lực, phát triển có trọng điểm các ngành kinh tế thuần biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản; dịch vụ, du lịch biển...); ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...) đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ Logistics; chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển, đảo; phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Phấn đấu đến năm năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; là Trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí) và là trung tâm du lịch của đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh hoạ. |
Đến năm 2045, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển, phát triển bền vững, toàn diện kinh tế biển theo hướng hiện đại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; hoàn thiện hạ tầng Logistics và các tuyến đường giao thông phát triển kinh tế hàng hải, đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với các cảng biển trong vùng, khu vực, phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng, khu vực; đưa kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.
Các giải pháp bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển cũng được tỉnh Bạc Liêu chú trọng. Theo đó, các địa phương trong tỉnh cần chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu và triển khai các chương trình phát triển hài hòa trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm thực mặn diễn ra ngày càng gay gắt. Tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng an ninh, quốc phòng và chấp pháp trên biển, bao gồm: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... để giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh trên biển, trật tự an toàn xã hội khu vực ven biển, đặc biệt các khu đô thị, khu kinh tế ven biển, đảo.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; trọng tâm là lập quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; các đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất mở rộng và nghiên cứu thành lập mới các khu bảo tồn biển (nếu có).
Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường và thực hiện việc thu gom, xử lý.
Xây dựng, củng cố lực lượng, hệ thống trang thiết bị quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; quản lý rác thải trên biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Kết nối, trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường sinh thái biển.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường theo quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhanh, thiếu bền vững.
Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên biển. Kiểm tra, khảo sát, đánh giá sản lượng, chất lượng tài nguyên cát biển, có biện pháp bảo vệ các mỏ đất sét hiện có trên địa bàn để khai thác sử dụng.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh theo Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; khai thác, sử dụng bền vững vùng bờ trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch cụ thể và ưu tiên đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển sâu, biển xa.
Lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế biển và vùng ven biển để có những phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.
K.Chi