Bắc Giang: Hành trình 5 năm xây dựng nông thôn mới
Những kết quả bước đầu
Bắc Giang là địa phương đầu tiên được Đảng, Chính phủ chọn làm điểm xây dựng chương trình nông thôn mới từ năm 2011. Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương chọn điểm xây dựng NTM ở xã trung du Tân Thịnh (Lạng Giang) là điểm. Đây là lần đầu tiên bà con nông dân được sự quan tâm toàn diện, đồng bộ của Đảng và Chính phủ. Từ điển hình Tân Thịnh, tỉnh đã tổ chức cho các địa phương, cơ sở tham quan tập huấn, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện rộng khắp.
Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình, Bắc Giang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đó là, lần đầu tiên các thôn, xã được đầu tư xây dựng quy hoạch khá toàn diện, từ quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm nghiệp cho từng loại cây trồng, vật nuôi đến quy hoạch giao thông, thủy lợi, trường học, điểm bưu điện văn hóa xã, trạm xá, chợ, nghĩa trang cùng nhiều thiết chế văn hóa, thể thao.
Bưởi diễn được nhiều người dân xã Tân Quang (Lục Ngạn) đưa vào trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Việc xây dựng quy hoạch tổng thể là tiền đề để các xã, thôn có cơ sở thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM. Qua đó, Bắc Giang đã xây dựng vùng cây ăn quả gần 5 vạn ha ở các huyện trung du, miền núi; vùng lúa giống có diện tích hơn 1.000 ha ở Yên Dũng, Lạng Giang; vùng chăn nuôi gà đồi ở Yên Thế thu hút hàng ngàn hộ tham gia.
Đến nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Bắc Giang đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh đã quy hoạch 30.000 ha lúa chất lượng cao, tăng 13% so với năm 2010; năng suất đạt bình quân gần 60 tạ/ha/vụ. Vùng rau an toàn 5.700 ha, trong đó rau chế biến xuất khẩu 2.599 ha, sản lượng 108.300 tấn, tăng 3,5%. Vùng trồng lạc giống 12.000 ha ở các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên… Hạ tầng nông thôn được nâng cấp, trong hơn 5 năm, các xã NTM đã xây dựng và cải tạo 2.700 km đường giao thông nông thôn, 2.600 km kênh mương nội đồng; 84,8% trường học, 81,6% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã chú ý củng cố, thành lập mới hơn 300 HTX với 49.822 thành viên HTX; xây dựng 770 trang trại... Ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đưa hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao vào sản xuất.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 49 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó các xã đều xây dựng được điểm bưu điện văn hóa xã, thôn đạt 24% so tổng số xã; các xã còn lại bình quân đạt 13-14 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn 7,5%. Phong trào đã huy động được đông đảo nhân dân góp của, góp công vào xây dựng NTM. Đến hết năm 2016, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 103 tỷ đồng, 635 nghìn m2 đất, 25 nghìn ngày công xây dựng NTM. Giai đoạn 2016-2020, Bắc Giang phấn đấu 35-40% số xã và 1-2 huyện đạt chuẩn NTM.
Vẫn còn đó những khó khăn
Có thể thấy rằng, hạ tầng nông thôn đã không ngừng được cải thiện, đường giao thông, điện nước phục vụ sản xuất đời sống được nâng lên. Nhưng đi đôi với thành quả ấy là nợ đọng tới gần 150 tỷ đồng (dù năm 2016 đã trả được hơn 40 tỷ đồng). Đáng chú ý, lãnh đạo không ít huyện, xã coi xây dựng NTM là xây dựng đường, trường, trạm xá và trụ sở UBND hoành tráng. Để chạy theo phong trào đó, nhiều xã đã mang nợ nhiều tỷ đồng. Nhìn vào các nguồn lực, xã lấy đâu kinh phí để thanh toán và duy tu bảo dưỡng những công trình đã xây dựng!?
Một số nơi chỉ đạo nặng về xây dựng cơ bản dễ dẫn đến lãng phí tiền bạc, lãng phí sức dân, mâu thuẫn nông thôn nảy sinh ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả của xây dựng NTM. Nhiều xã xây nhà văn hóa trung tâm tốn hàng tỷ đồng nhưng có mấy khi bà con đến sinh hoạt. Đó là chưa kể thôn, bản, khu dân cư nào cũng có nhà văn hóa song việc khai thác, sử dụng ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Đặc biệt là việc đầu tư phát triển sản xuất chưa được coi trọng đúng mức, có quy hoạch nhưng thực hiện không nghiêm, tình trạng sản xuất theo “phong trào” dẫn đến không ít hộ nông dân phá sản. Điển hình là chăn nuôi lợn vừa qua, thấy giá lợn hơi lên cao, cả làng, cả xã, thậm chí cả huyện đổ xô chăn nuôi lợn để cuối cùng hàng ngàn hộ nông dân thua lỗ, quay lại thành hộ nghèo.