Ba mốc siêu âm đặc biệt quan trọng mẹ bầu cần nhớ
Bác sĩ sản khoa cho biết nhiều trường hợp mẹ chủ quan vì các lần sinh trước con khỏe mạnh nên không đi siêu âm. Khi đi siêu âm thì đã phát hiện trẻ có dị tật, không thể can thiệp được nhiều.
Vì sao siêu âm thai định kỳ là bắt buộc?
Trường hợp bệnh nhân N.T.M (37 tuổi, ở ngoại thành Hà Nội) mang thai 26 tuần. Khi siêu âm, trên hình ảnh phát hiện đa dị tật thai nhi gồm sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh Fallot 4.
Khai thác tiền sử, chị M. cho biết đã từng sinh thường hai con khỏe mạnh, con nhỏ nhất 6 tuổi. Hiện tại chị đang mang thai lần ba, từng siêu âm một lần lúc thai 8 tuần, vì nghĩ đã sinh hai con đầu con khỏe mạnh, cộng thêm điều kiện kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc vất vả, không có ngày nghỉ để đi khám. Hôm đó, chị M được nghỉ 1 ngày đưa con nhỏ đi khám nên tiện thể siêu âm thai.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trường hợp của chị M rất đáng tiếc. BS Hiền cho biết thông thường ở tuổi thai 26 tuần con đang máy, đang đạp, mẹ đang chờ sinh thì chị M. lại phát hiện con sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh. Trong khi đó tuỳ tổn thương mà có thể phát hiện rất sớm các bất thường này từ 12-18 tuần.
Bác sĩ sản khoa khuyến cáo 3 mốc siêu âm mẹ bầu cần nhớ |
Nếu phát hiện sớm thai nhi đa dị tật, có thể phối hợp chọc ối xác định thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể hay không từ khi thai 16-18 tuần. Từ đó người mẹ có quyết định giữ thai hay không giữ thai cũng dễ dàng hơn nhiều so với thời điểm khi thai đã 26 tuần. Thậm chí việc phát hiện muộn này còn gây ảnh thưởng tới sức khỏe và tâm lý người mẹ.
Để tránh hậu quả như trường hợp của bệnh nhân M, bác sĩ Hiền khuyến cáo các mẹ bầu dù bận rộn, hoặc có khó khăn, nhưng đã mang thai thì hãy cố gắng khám thai ít nhất 3 mốc quan trọng sau để có thể sinh ra con khỏe mạnh.
Bỏ túi 3 mốc siêu âm thai
Siêu âm lần 1: Thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày
Siêu âm trong thời kỳ này giúp sàng lọc dị tật của thai, đặc biệt đo khoảng sáng sau gáy để tiên lượng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cho thai nhi, xác định chính xác mẹ bầu mang song thai hay thai đơn, chẩn đoán tuổi thai và dự kiến ngày sinh. Kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi, đánh giá tình trạng nhau thai, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật,…
Siêu âm lần 2: Thai 18 tuần đến 22 tuần tuổi
Đây là giai đoạn tốt nhất giúp đánh giá cấu trúc, hình thái học thai nhi. Siêu âm giai đoạn này vô cùng quan trọng mà mẹ bầu không được bỏ qua, những ý nghĩa quan trọng mang lại như: Theo dõi hình thái, cấu trúc trong hộp sọ và não bộ; Quan sát khuôn mặt của thai nhi và những dị tật trên mặt của bé; Đánh giá xương sống có đầy đủ hay không cùng dị tật ở xương; Phát hiện xem tứ chi thai nhi có bất thường hay không, có thừa hoặc thiếu ngón tay/ngón chân nào không; Đánh giá hoạt động của tim thai, hệ thống động tĩnh mạch,…
Siêu âm lần 3: Thai 30 tuần đến 32 tuần tuổi
Giai đoạn này thai nhi gần như đạt được sự phát triển toàn diện, vì vậy, kết quả siêu âm giai đoạn này giúp xác định được quá trình tăng trưởng và phát triển của thai nhi như xác định cấu trúc của thai nhi giống như giai đoạn thứ 2, đánh giá hệ tuần hoàn của bé, kịp thời phát hiện dị tật của thai nhi trong thời kì này (xác định bất thường xảy ra do tác động bên ngoài), quan sát tình trạng ngôi thai và dây rốn có quấn cổ bé hay không.
Ở mốc siêu âm thời này giúp bố mẹ chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của con.
BS Hiền cho rằng 3 mốc siêu âm trên thực sự rất quan trọng cho sự phát triển và chào đời của thai nhi mà mẹ bầu cần bỏ túi để thêm an toàn cho suốt thai kỳ, cũng như tạo hành trang cho con yêu chào đời và phát triển khỏe mạnh.
Khánh Chi
Sửa chữa trái tim cho em bé chào đời được 15 giờ tuổi
Bệnh nhi Nguyễn Minh H (sinh ngày 13/05/2020, địa chỉ Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị dị tật tim bẩm sinh tứ chứng Fallot phức tạp. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bệnh nhi từ lúc 15 giờ tuổi.