Bà mẹ viên chức tủi hổ khi con gái đòi thuê ô tô đi học, sự ích kỷ nảy mầm do đâu?
Chị Lê Thị Quỳnh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tìm tới chuyên gia tâm lý để nhờ tháo gỡ cho câu chuyện nuôi dạy con gái của gia đình mình.
Theo chị Quỳnh chia sẻ, con gái chị học lớp 11 và đang trong độ tuổi ẩm ương. Dù vợ chồng chị Quỳnh cố gắng làm tất cả cho con nhưng cô bé lại không bao giờ ghi nhận, thậm chí còn phán xét cha mẹ.
Vợ chồng chị Quỳnh đều quê ở miền Trung ra Hà Nội học tập và lập nghiệp. Tuổi thơ chị sống với bà ngoại nên lúc nào cũng ao ước có một gia đình hoàn chỉnh, được cha mẹ chiều chuộng như nhiều gia đình khác. Vậy nên khi kết hôn, chị Quỳnh sinh liền hai bé và cưng chiều con hết mực.
Mặc dù vợ chồng chỉ làm viên chức, thu nhập không cao nhưng chị Quỳnh luôn cố gắng cho con đi học trường tư tốt, mua sắm cho con các thứ con thích bất kể đắt đỏ. Nhiều khi gia đình phải "thắt lưng buộc bụng" để con có chi phí ăn học tốt nhất.
Chị Quỳnh thường bảo với con rằng "Chỉ cần các con muốn, bố mẹ có phải đi nhặt đồng nát, bưng bê kiếm thu nhập cũng đồng ý". Có lẽ vì thế, các con của chị nghiễm nhiên coi bố mẹ là người cưng chiều vô điều kiện.
Con gái lớn của chị Quỳnh vốn đã cá tính, từ khi bước vào tuổi dậy thì lại càng thay đổi tính tình hơn. Cả nhà luôn coi cô bé như “chị đại”, làm gì cũng sợ cô bé bùng nổ.
Năm học lớp 9, có lần cô bé so sánh gia đình mình với nhiều gia đình khác. Cô bé hỏi mẹ với thái độ khó chịu: "Vì sao bố mẹ nghèo? Bố bạn X. lương trăm triệu mà bố mẹ chỉ có 10 triệu? Vì sao bố mẹ chỉ đi xe máy?"... Thậm chí, cô bé đòi tự đi học bằng dịch vụ Grap, không muốn bố mẹ đi xe máy đưa đón mình.
Nghe lời con nói, chị vừa giận vừa nhận thấy mình kém cỏi không kiếm được nhiều tiền như các gia đình khác. Cứ như thế, bà mẹ tự ti với chính con mình.
Bây giờ thấy con ngày càng “lệch chuẩn”, chị Quỳnh muốn uốn nắn con thì đã quá muộn vì mỗi lần bố mẹ răn dạy con lại đòi bỏ nhà đi, giận dỗi đóng cửa phòng, không nói chuyện với ai.
Khi tư vấn cho chị Quỳnh, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách – Viện tâm lý lâm sàng MP, Hà Nội, cho rằng con gái chị ích kỷ là do bố mẹ không hiểu hết về quyền và trách nhiệm của cha mẹ như thế nào nên chiều chuộng con thái quá.
Nhiều đứa trẻ giống với con chị Quỳnh, chúng dễ dàng chê bai, phán xét bố mẹ và luôn so sánh như: Sao bố mẹ nghèo, lương chỉ có vài triệu? Sao bố mẹ chỉ đi xe máy mà không phải ô tô? Sao con chỉ có một cái áo đồng phục? Sao nhà mình bé tí trong khi nhà các bạn to đẹp?
Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều bố mẹ có tư duy "coi con cái là châu báu, ngọc ngà, không muốn con thiếu thứ gì". Nếu bố mẹ không đưa một đứa trẻ vào hành lang kỉ luật và nhận thức đúng về gia đình cũng như bản thân từ bé thì chắc chắn lớn lên chúng sẽ thiếu thấu cảm, thiếu cảm nhận tình thân. Từ đó, những đứa trẻ sẽ trở thành người vô cảm trước mọi khó khăn của bố mẹ, gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
Bác sĩ Bách cho rằng anh gặp rất nhiều câu chuyện tương tự như gia đình chị Quỳnh, có nhiều trẻ ích kỷ, đòi hỏi một cách quá đáng, sẵn sàng bật lại bố mẹ để thoả mãn nhu cầu cá nhân.... Vì vậy góc nhìn của bố mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái nhất là trong thời điểm xã hội công nghiệp hoá như hiện nay. Sự chiều chuộng, nhẫn nhịn, cung phụng không giới hạn của bố mẹ chính là nguyên nhân phổ biến nhất biến các con thành những đứa trẻ hư.
Khánh Chi