Ba cách cha mẹ cần nhớ để bảo vệ trẻ khi chưa được tiêm phòng Covid-19
Theo các chuyên gia, trẻ em nhiễm bệnh Covid-19 ít bị nặng hơn so với người lớn, nhưng trẻ em vẫn là nguồn lây nhiễm gây bệnh cho những người trong gia đình, cho các bạn trong lớp.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ cần tránh 'hội chứng ngất dây chuyền'
Các chuyên gia cho rằng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em khác với người lớn, trẻ em có thể sợ hãi, la hét, không hợp tác khi tiêm, vì vậy, cần chuẩn bị kỹ tư tưởng trước khi cho trẻ đi tiêm để tránh 'hội chứng ngất dây chuyền'
Trẻ em dễ là nguồn lây
Hiện nước ta đã tiêm chủng hơn 76 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó khoảng 22 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nhưng mỗi ngày vẫn có hàng nghìn ca nhiễm bệnh.
Riêng tại TP.HCM trong 7 ngày qua mỗi ngày đều ghi nhận trung bình 700 – 800 ca nhiễm Covid-19. Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM, số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta đang ở cấp độ 2 của dịch. So với các quốc gia đã tiêm vắc xin thì số ca nhiễm này cũng không quá cao như ở Anh, Mỹ…
PGS Dũng cho rằng người dân thực hiện nghiêm phòng chống dịch thì thời gian tới số ca F0 có thể sẽ giảm dần, thi thoảng sẽ xuất hiện ổ dịch lẻ tẻ. Khi người lớn đã tiêm đủ vắc xin thì trẻ em chưa được tiêm cũng có thể trở thành nguồn lây. Trẻ nhiễm bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có thể trở thành người lây bệnh cho gia đình.
Trong khi đó, nhiều khi truy vết lại bỏ qua trẻ em. Các ổ dịch không có nguồn lây tại Hà Nội hay một số tỉnh khác có thể do biến chủng Delta đã lây qua không khí. Chỉ cần người đó tới các địa điểm có virus trong không gian dù không tiếp xúc thì vẫn có thể trở thành người nhiễm virus.
Học sinh TP.HCM đến cơ sở tiêm chủng Covid-19. |
PGS Dũng cho rằng trong thời gian tới khi vắc xin tiêm cho người lớn đã phủ rộng thì việc tiêm cho trẻ cũng để tăng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, PGS Dũng cho rằng kế hoạch tiêm cho trẻ lớn xuống tới trẻ bé chưa hợp lý, có thể tiêm theo khu vực. Ví dụ 1 trường tiêm đủ cho các em thay vì ưu tiên trẻ lớn. Trẻ lớn đến trường trẻ bé chưa tiêm vẫn có nguy cơ lây nhiễm lớn.
Các biện pháp bảo vệ trẻ
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ cho rằng trẻ em có hệ miễn dịch tốt, có thể bảo vệ cơ thể tốt khi gặp virus Sars-Cov-2. Trẻ em ít mắc bệnh Covid-19 hơn, ít nhập viện, và ít tử vong vì Covid-19 so với người lớn. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể nhiễm virus, vẫn có thể là người trung gian gây lây nhiễm cho nhiều người.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu vắc xin Covid-19 trên trẻ em. Kết quả cho thấy là vắc xin bảo vệ hiệu quả trẻ em ở tuổi 12-15, thậm chí còn có thể cao hơn so với người lớn. Vì vậy, trẻ em trên 12 tuổi được khuyến khích tiêm ngừa vắc xin Covid-19 như người lớn.
Không chỉ vắc xin cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên mà cơ quan Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây ra khuyến cáo kéo dài thêm thời gian thử nghiệm và theo dõi ở trẻ em, từ 2 tháng lên 6 tháng, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cho vắc xin. FDA cũng đề nghị Pfizer/Moderna tăng theo số lượng bệnh nhân thử nghiệm giai đoạn 3.
Trong thời gian tới, khi trẻ em 12 – 17 tuổi đã được tiêm vắc xin, chưa có vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi việc bảo vệ nhóm trẻ này khỏi nguy cơ mắc Covid-19 cũng rất quan trọng.
Bác sĩ Wynn cho biết những cách có thể giảm rủi ro trẻ mắc bệnh Covid-19:
Thứ nhất, xét nghiệm ngay khi trẻ em có triệu chứng để theo dõi và chữa trị. Các triệu chứng Covid-19 ở trẻ em có thể tương tự như người lớn. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em sẽ ít bị triệu chứng nặng nên quý cha mẹ cần theo dõi kỹ nếu có bất kỳ thay đổi nào ở trẻ, ví dụ như sổ mũi hay cảm sốt, mệt mỏi, biếng ăn.
Thứ hai, trẻ em với bệnh mạn tính như suyễn, béo phì, tiểu đường sẽ dễ mắc Covid-19 hơn, vì vậy, quý cha mẹ nên theo dõi cẩn thận và chữa trị các bệnh.
Thứ ba, tiêm ngừa vắc xin cho tất cả người lớn và trẻ em trên 12 tuổi trong nhà để giảm thiểu lây lan và nhiễm bệnh đến trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra càng nhiều người xung quanh trẻ tiêm vắc xin thì khả năng nhiễm bệnh và lây nhiễm của trẻ cũng giảm.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người chưa tiêm vắc xin. Hạn chế trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp hay nghi ngờ mắc Covid-19.
K.Chi
Xử lý phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ như thế nào?
Trước khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ được khám sàng lọc. Phụ huynh cần nói với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phòng phù hợp trong buổi khám sàng lọc.