Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, gió giật cấp 11
Dự báo, đến 13 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, lúc 13h ngày 6/10, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km/h về phía đông nam, khả năng mạnh lên thành bão trong 48 giờ tiếp theo. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: TTDBKTTVQG) |
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát báo cáo đặc biệt về tình hình thời tiết những ngày tới và ba tháng cuối năm. Theo đó, một đợt không khí lạnh mạnh cũng sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam vào cuối tuần này, khiến trong những ngày tới áp thấp nhiệt đới sẽ diễn biến phức tạp, nhiều khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung.
Từ nay đến ngày 8/10, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và bắc Tây Nguyên có mưa to. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum mưa phổ biến mỗi đợt 300-500 mm, có nơi trên 600 mm; khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai mỗi đợt mưa phổ biến từ 100-300 mm, có nơi trên 350 mm.
Từ ngày 9 đến 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Vùng biển phía tây của khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-3 m; khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 1,5-2,5 m.
Theo công điện của Thủ tướng, các tỉnh, thành kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương...
Dự báo từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
PV