Áp quy định mới, 18 đại học bỗng nhiên vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh
Sinh viên làm hồ sơ nhập học năm 2015 |
Sau khi ban hành Thông tư 32 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên đại học chính quy, 8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật), Bộ GDĐT đã công bố danh sách 18 trường đại học lớn hiện đang có số lượng sinh viên vượt mức quy định cho phép.
Đó là các trường: ĐH Cần Thơ 32.405 sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 30.360 sinh viên; ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 30.487 sinh viên.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Vinh đào tạo hơn 20.000 sinh viên.
Các trường vượt quy mô cho phép 15.000 sinh viên là: ĐH Thương mại, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ - Địa chất.
Riêng Y Dược TP.HCM đào tạo 11.445 SV, vượt quy mô cho phép đối với nhóm ngành sức khỏe (8.000 sinh viên).
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, Thông tư 32 của Bộ GDĐT có vẻ muốn cứu các trường không tuyển sinh được, chủ yếu là các ĐH, CĐ ít chịu đầu tư cho con người và cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay đa số các trường có quy mô hơn 15.000 sinh viên là những trường có uy tín, chất lượng, sinh viên ra trường không bị thất nghiệp; mặc dù đào tạo nhiều nhưng có đội ngũ thầy cô giáo giỏi và cơ sở vật chất tốt.
Thông tư 32 thực chất là giảm bớt cơ hội của người học vào các trường tốt, đẩy các em qua các trường kém chất lượng và tuyển sinh không được, dẫn đến thất nghiệp càng cao.
Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, với mức học phí cho sinh viên các trường kỹ thuật (chưa tự chủ tài chính) hiện nay khoảng 7 triệu đồng/năm mà áp đặt tiêu chí 20 sinh viên/giảng viên thì tiền học phí và cả kinh phí chi thường xuyên không đủ để lo điện nước, trang thiết bị, vật tư thực tập và lương tăng thêm của giảng viên.
Hậu quả là sẽ xảy ra tình trạng số thầy giỏi do thu nhập quá ít sẽ bỏ ra doanh nghiệp làm, không thu hút được người tài về trường công tác và chất lượng đào tạo sẽ giảm. Khi nào học phí đủ cho chi phí đào tạo thì các trường sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo
Bộ GDĐT cho biết, yêu cầu khống chế về quy mô tối đa không đặt ra ngay trong năm 2016 mà giảm theo lộ trình như đã quy định trong Thông tư 32. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ vẫn yêu cầu các trường phải lập đề án trong đó xác định rõ quy mô đào tạo, trong đó năm 2016 chỉ tiêu tuyển sinh tối đa không được vượt quá năm 2015.