Anh cả của Trường Sa Lớn
Tôi “gặp” Thượng tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) trên mạng Internet trước ngày cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra thăm, chúc Tết quân dân Trường Sa.
Thực ra, để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày, tôi phải cẩn trọng tìm hiểu trước một số thông tin, tư liệu và xác định các mối quan hệ cần thiết để “mở đường” cho chuyến công tác được thuận lợi. Thật bất ngờ khi chỉ gõ chức danh của anh Hòa lên google, chưa đầy nửa giây sau đã có hàng trăm kết quả tìm kiếm. Nhờ đó, tôi biết khá chi tiết về cuộc đời và công việc của anh. Vậy mà khi đến với đảo, được gặp trực tiếp “nhân vật chính” bằng da, bằng thịt thì hình ảnh về anh trong mắt tôi lại thay đổi hoàn toàn. Anh không phải “người nổi tiếng” mà là một sĩ quan chỉ huy quyết đoán, cần mẫn, chân chất, bình dị. Ở anh còn có cả những khoảng lặng riêng tư sâu kín, khó diễn tả thành lời.
Vào buổi chiều ngày cuối cùng của năm 2013, thị trấn Trường Sa Lớn đón chúng tôi bằng một đợt dông mạnh. Tối đó, trời lất phất mưa Xuân nhưng không khí vẫn hầm hập nóng. Sau hành trình hơn 10 ngày ròng gặp bão, tàu HQ571 mới “cán đích” Trường Sa. Bởi vậy, anh em trong đoàn công tác đều mệt lả. Mọi người toan nghỉ sớm để hôm sau tác nghiệp hiệu quả. Thế nhưng, khoảng 11 giờ 45 phút đêm, có một người đàn ông dáng dong dỏng, lầm lũi trong mưa, đi trên chiếc xe đạp cũ, tiến về phía Nhà khách Thủ đô. Anh nhẹ nhàng gõ cửa từng phòng, rồi cất giọng: “Kính chào anh em. Tôi – Thượng tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng Trường Sa Lớn trân trọng mời mọi người lên ban chỉ huy đảo, cùng đón giao thừa với bộ đội. Mong anh em thu xếp để được “thưởng thức” chút dư vị chuyển giao đất trời trên mảnh đất Tổ quốc nơi đầu sóng”.
Thượng tá Phạm Văn Hòa tại Lễ chào cờ sáng Mồng 1 Tết dương lịch năm 2014 ở thị trấn Trường Sa Lớn. |
Lời mời tế nhị, chân thành của đồng chí đảo trưởng như “đánh thức” mọi người, như xóa tan mệt mỏi đang hiện hữu trên mỗi cơ thể. Tất cả anh em trong đoàn công tác đều bật dạy, cùng rong bộ đi đón giao thừa.
Bước đi bên cạnh, nhìn bộ quân phục ướt sũng của anh Hòa, tôi tỏ vẻ ái ngại: “Sao anh không bảo trợ lý cơ quan xuống mời anh em cũng được mà...”. Sở dĩ tôi hỏi như vậy là vì tôi hiểu khá cặn kẽ đặc thù hoạt động quản lý bộ đội. Từng là người chỉ huy ở cơ sở, tôi hiểu rõ: Việc triển khai cho cấp dưới, trợ lý hay liên lạc đơn vị thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy trưởng là vấn đề có tính nguyên tắc. Cho nên việc “cỏn con” như đi mời khách chỉ đơn giản như việc trở bàn tay. Vậy mà... (!) Như hiểu được ý tôi, anh Hòa cười hiền, giải thích: “Mình con nông dân chính hiệu, sống dân dã quen rồi. Mình làm chỉ huy chứ có phải quan chức gì ghê gớm đâu. Bộ đội trên đảo sau ngày công tác vất vả, giờ là lúc cần ngủ nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ngày mai tiếp tục công tác. Hơn nữa, anh em là “khách quý”... nên...”.
Anh Hòa nói đúng, cả buổi chiều 30-12, sau khi đón đoàn công tác vào đảo, cán bộ, chiến sĩ phải vật lộn chuyển hàng tấn lương thực và quà Tết từ tàu lên cầu cảng bằng xuồng và phương tiện mang vác thô sơ. Bởi vậy chắc chắn giờ này mọi người đều đã mệt lả. Ngay cả anh Hòa cũng không thể dấu được chúng tôi vẻ mỏi mệt trên nét mặt. Thế nhưng, có lẽ vì mến khách, anh và Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo bàn nhau, cùng thức khuya, tự tay chuẩn bị một số đồ ăn, nước uống, giúp anh em trong đoàn công tác được đón đêm giao thừa linh thiêng trên đảo.
Buổi đón giao thừa thật đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng đội. Chúng tôi càng ấn tượng hơn về người chỉ huy “nổi tiếng” bởi quyết đoán nhưng hôm nay lại mềm dẻo, nhẹ nhàng, vui tính đến độ khó tin. Tự tay anh Hòa xung phong để “kéo” tặng mọi người một đoạn ca cải lương vui nhộn, rồi anh cùng mọi người đếm ngược thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. “Mười, chín, tám... một, không! Chúc mừng năm mới!” - Anh Hòa đứng bật dạy, đến bắt tay từng người: “Chúc mừng năm mới đồng chí nhé!”... Bấy giờ, ai cũng vỡ òa hạnh phúc, niềm vui như trực trào. Cũng bởi thế, đêm giao thừa trên đảo Trường Sa Lớn đi vào ký ức mỗi người như một kỷ niệm đẹp. Trong đó, hình ảnh về người đảo trưởng dung dị, gần gũi là “điểm nhấn” trong miền ký ức khó phai mờ của một kiếp người.
Thượng tá Phạm Văn Hòa ra tận cầu cảng tiễn đồng đội về đất liền. |
Đêm thứ hai trên đảo, tôi lại gặp anh Hòa sau khi anh kết thúc vòng kiểm tra gác trên đảo. Đêm đã khuya, thấy tôi vẫn hong mắt với con chữ, anh chủ động bắt chuyện: “Mỗi nghề đều có cái khổ riêng đồng chí nhỉ! Đồng chí thức trắng để “bào” những con chữ cho “nhẵn”, còn mình thức trắng để kiểm tra, lo lắng cho đảo được bình yên. Khổ! Cái nghề chỉ huy này cũng lắm điều trăn trở đồng chí ạ!”.
Tôi hiểu ý anh Hòa định nói. Ấy là anh mô tả về đặc thù hoạt động quân sự trên đảo, về sự vất vả thường nhật của người chỉ huy ở đơn vị phải trực chiến SSCĐ 24/24 giờ. Bản thân tôi chẳng còn lạ gì với cái nghề quản quân nhọc nhằn, vất vả. Mặc khác, hai ngày lên đảo, tận mắt tôi được chứng kiến anh Hòa quần quật với cả núi việc. Hình ảnh bao trùm về anh là gương mặt toát vả mồ hôi nhưng tay chân vẫn thoăn thoắt, mau lẹ với từng phần việc. Anh quyết đoán chỉ huy hết bộ phận này, đến lực lượng kia vận chuyển từng loại hàng vào kho các Cụm chiến đấu. Trưa đến, anh toan việc chuẩn bị trả lời phỏng vấn. Tối về anh lại thao thức, đôn đốc, kiểm tra gác. Thế nhưng, tìm hiểu mới biết cặn kẽ rằng không phải mỗi bận có “khách” ra thăm đảo, anh Hòa mới “nhọc người” như vậy. Nhiều người đã rỉ tai tôi về anh: “Ngày thường, đồng chí đảo trưởng cũng bận bịu không kém. Giờ hành chính “bán hết” cho việc quản lý, chỉ huy, phút rảnh rỗi lại tranh thủ xuống với bộ đội, đến với từng hộ dân. Thi thoảng lắm mới thấy anh trò chuyện về chuyện hậu phương xa xôi và lắng đọng”.
Trở về câu chuyện vào buổi tối ở Trường Sa Lớn. Chuyện trò được một lúc, tôi đặt vấn đề được viết về anh, thế nhưng người đảo trưởng khiêm tốn khước từ: “Mình có gì mà viết! Theo mình, đồng chí nên viết về cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Mỗi tập thể, cá nhân ở đây đều có một câu chuyện thú vị và hay lắm đấy. Hơn nữa tập thể đảo mới có nhiều thành tích và quần chúng mới là đối tượng chính cần được tuyên truyền, ngợi ca”.
“Tôi không viết về "anh". Tôi viết về đồng chí Đảo Trưởng thị trấn Trường Sa Lớn. Viết để nêu bật vai trò của những người cán bộ chủ chốt nơi tiền tiêu Tổ quốc. Mà anh là một ví dụ điển hình” - Tôi mạnh dạn.
Ngẫm một lúc, anh Hòa mỉm cười. Cái nụ cười hiền khô nhưng đặc sệt mùi muối biển của người lính từng trải: “Thôi được! Vậy thì viết thật nhiều về đơn vị và nói ít về mình thôi nhé! Mình muốn được đọc một bài báo gồm những câu từ trung thực đời thường, chứ không mong sự bóng bẩy, tung hô”. Tôi nhất trí với đề xuất đó và thế là câu chuyện bắt đầu, mà đúng hơn là câu chuyện được tiếp diễn…
Thượng tá Phạm Văn Hòa là người con của quê hương Hà Tĩnh. Cuộc đời anh gắn liền với nghiệp binh và vớ phải “cái vận” xa nhà triền miên. 32 năm tuổi quân là ngần ấy năm anh sống xa gia đình. Từ chàng học viên Trường Sĩ quan Lục quân 3, trở thành người sĩ quan trược tiếp chiến đấu ở nước bạn Lào (từ năm 1985 đến 1989), trải qua các cương vị chỉ huy, phát triển đến đại đội phó quân sự, rồi về nước gắn bó với Sư đoàn 968 ở Cam Lộ (Đông Hà, Quảng Trị). Năm 2003, anh nhận lệnh ra công tác ngoài Trường Sa. Cũng từ đó “cái duyên” gắn bó với đảo cứ níu lấy anh...
“Thế đó, nghiệp binh cứ cuốn lấy đời người, cứ giục bước chân người lính theo tiếng gọi Tổ quốc, để rồi bỗng giật mình rằng người đàn ông trong mình đã sống xa nhà, xa vợ con quá lâu rồi!” - Anh Hòa trải lòng, rồi nhẫm tính, bình quân mỗi năm anh được về nhà gần một tháng phép. Như vậy, 25 năm lập gia đình anh chỉ được ở bên vợ - chị Bùi Thị Bình vỏn vẹn chưa đầy 25 tháng.
Vậy đó, chỉ 25 tháng được gần gũi, được nghe nhịp thở, được cảm nhận hơi ấm của người hậu phương, để rồi anh chị có với nhau hai đứa con. Cái khái niệm và phác đồ về sự phát triển gia đình của anh thật đơn giản như rơm rạ đồng quê; như thể người ta cứ gọi hai tiếng “vợ chồng” là đương nhiên thành chồng vợ của nhau mãi mãi. Bởi thế, có người xóm giềng gần ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) phải thốt lên: “Vợ chồng nhà anh Hòa, chị Bình cứ xa nhau biền biệt như Ngưu Lang – Chức Nữ, thế mà tình cảm giữa họ thật son sắc, thủy chung, đáng kính, đáng quý biết bao. Cái hạnh phúc thật đúng và đẹp như chữ ghép tên của hai người: “Hòa - Bình”!
Khi nói chuyện với tôi về người vợ “nông dân chính hiệu” nơi quê nhà, anh Hòa luôn dành những tình cảm thật đặc biệt và lòng biết ơn sâu kín. Với anh kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc sống gia đình là lúc chị Bình mang thai đứa con đầu lòng. Đó là một ngày của năm 1992, anh đi xa biền biệt, kinh tế gia đình khốn khó, chị bị nghén thèm quá một miếng thịt luộc to bằng hai đốt ngón tay mà không thể có được. Khi anh về phép, chị ghì xiết lấy anh mà tức tưởi: “Em nhìn người ta ăn thịt mà em muốn cướp lấy để được ăn, anh ạ!”... Kể đến đây, giọng anh Hòa nghẹn lại, nước mắt anh trực trào. Anh quay đi hướng khác như trốn chạy cảm xúc, để lại tôi với khoảng lặng vô hình giữa biển trời mênh mông.
Giờ đây, vẫn trên “cương vị” người lính đảo, vẫn những tháng năm sống xa vợ con, quê hương. Anh bao biện rằng xa nhiều thành thử cũng quen. Nhưng rồi chính anh lại yếu mềm, thổ lộ: Chẳng người lính rắn rỏi, can trường nào lại không có những phút xao lòng khi nhớ về hậu phương, nghĩ đến những gì thân yêu nơi đất liền trăm nhớ, nghìn thương!
Thượng tá Phạm Văn Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng anh em phóng viên báo chí và truyền hình trong quân đội (tháng 1-2014). |
Hậu phương nặng lòng là vậy, nhưng anh luôn biết cách “chôn chặt” trong sâu kín tâm hồn để toàn tâm toàn ý với công việc; để lúc đối diện với nhiệm vụ, đứng trước hàng quân, trên gương mặt anh bao giờ cũng hiện hữu nụ cười. Cũng bởi thế mà ít người biết về khoảng lặng của đồng chí đảo trưởng. Quân và dân nơi đầu sóng bao giờ cũng xem anh là “Người anh cả” trong gia đình lớn, là bệ đỡ tinh thần của Trường Sa Lớn. Mọi người đều nhất nhất đồng ý: Đảo trưởng là người cán bộ quân sự quyết đoán, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng lúc thực hiện 5 cương vị công tác chủ trì và quan trọng của đảo nhưng anh đều hoàn thành với kết quả đáng khâm phục.
“Anh Hòa biết cái cách phân vai cương vị công tác thật rõ ràng. Lúc mệnh lệnh, khi thuyết phục; một đằng là quyết đoán đến không sai nửa mi-li-mét, đằng khác lại mềm dẻo, linh hoạt hiệu quả đến bất ngờ...” – Nhận xét đó của Trung tá Trịnh Xuân Tô, Chính trị viên phó của đảo dành cho đồng đội thật đúng. Bởi lẽ, trên cương vị chỉ huy, anh Hòa luôn giữ vững nguyên tắc, xử lý mối quan hệ trên dưới rõ ràng; mệnh lệnh đã đưa ra là tổ chức và cấp dưới phải hoàn thành trong bất kỳ mọi tình huống. Thế nhưng, sau công việc, xong nhiệm vụ, anh lại hòa cùng cánh chiến sĩ mới, khi trà nóng, lúc bóng chuyền, khi chạy dài... Thậm chí, có những chiều anh dạo bước trên bãi biển nhặt ốc, san hô cùng đám lính trẻ. Có lẽ vì thế mà người chiến sĩ mới toanh – Binh nhì Nguyễn Quốc Đức dám “khen” thủ trưởng là hiền lành: “Chú Hòa hiền đến độ chúng em không ngại ngần tìm đến hàn huyên, tâm sự mọi vui buồn trong cuộc sống, công tác”.
Và rồi cũng với vóc dáng hết đỗi gần gũi, người ta lại thấy anh Hòa hàn huyên cùng đám trẻ Trường Sa. Khi thì anh bắt nhịp cho chúng hát tốp ca, lúc “cao hứng” anh còn song ca với từng đứa trẻ một. Cũng chính vậy, mà đứa trẻ nào cũng thuộc rành rọt họ tên của đảo trưởng, đứa nào cũng gọi anh là “bác”, là “bố” của chúng.
Bật mí về quan điểm sống, công tác của mình, anh Hòa nhắc lại lập luận của một vị tướng hải quân, đại ý rằng: Nam nhi thành niên vào quân ngũ mới thấm nhuần hai từ “nghĩa sĩ”. Tức là khi ra trận, nghĩa sĩ nhằm thẳng quân thù mà bắn; đồng thời sẵn sàng lấy thân che chắn đường tên, mũi đạn… cho đồng đội của mình! Tất nhiên, đó là anh nói về chân lý sống của người lính Trường Sa nói chung, nhưng chắc hẳn cũng ít nhiều phác họa lý tưởng sống của mình. Ngẫm kỹ mới thấy lý tưởng đó thật cao đẹp, thiết thực với những ai lấy binh làm nghiệp. Và chính kết quả hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày của anh đã góp phần hiện thực hóa lý tưởng cao cả đó. Anh đã dành phần lớn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cũng ngần ấy năm, anh yêu thương, gắn bó với đồng chí đồng đội và người dân.
Bất chợt tôi nhớ tới hai câu thơ trong tác phẩm Trường Ca biển của tác giả Hữu Thỉnh: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc”. Đúng thật, nơi mảnh đất đầu sóng này, Tổ quốc hiện ra sinh động, chân thực hơn khi có vóc dáng, công sức đóng góp của anh và đồng đội anh!
Bút ký của NGUYỄN TẤN TUÂN/ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN