Sự thật trật lất quan niệm 'tôm đồng nhiều can xi hơn tôm biển'
Tôm là một trong những thực phẩm khá phổ biến trong bữa cơm mỗi gia đình người Việt. Giá trị dinh dưỡng của tôm khá dồi dào, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn nhiều người cho rằng ăn tôm đồng tốt hơn tôm biển, vì tôm đồng ăn cả vỏ - bổ sung lượng canxi cho cơ thể.
Chị Minh Ánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết chị đọc trên mạng thấy một số chuyên gia khuyên ăn cá nhỏ tốt hơn cá lớn (vì ăn cả xương) nên tôm chị cũng chọn loại tôm nhỏ (tôm đồng) để làm thức ăn thường ngày.
“Giá thành cũng chẳng rẻ hơn tôm biển, thậm chí có loại còn đắt hơn. Tôm đồng loại to cắt được râu thì 25.000 đồng/lạng, còn loại nhỏ không cắt được râu thì giá cũng 17.000- 18.000 đồng/lạng trong khi giá tôm biển loại to bằng ngón tay trỏ cũng chỉ khoảng 25.000 đồng/lạng mà thôi.
Hai con nhà tôi thích ăn tôm biển nhiều thịt hơn nhưng tôi rất hiếm khi cho ăn vì cần bổ sung canxi ngay trong bữa ăn”, chị Minh Ánh cho biết.
Không riêng chị Minh Ánh, rất nhiều bà nội trợ hiện đang hiểu lầm tương tự khi cho rằng vỏ tôm chứa nhiều canxi. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng tôm đồng cũng không kém tôm biển về mặt dinh dưỡng, thậm chí ăn còn an toàn hơn.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong trong 100g tôm biển tươi (chỉ tính phần ăn được) sẽ cung cấp 82 kcal; 79,2g nước; 17,9g đạm; 0,9g béo; 79mg canxi; 0,9g đường; 184mg phospho; 1,6mg sắt; 0,04mg vitamin B1; 20mg vitamin A; 0,08mg vitamin B2; 2,3mg vitamin PP.
Còn 100g tôm đồng sẽ cho 90 kcal; 18,4g đạm; 100mg canxi; 310mg kali; 2,2mg sắt; 74,7g nước; 1,8g chất béo; 200mg cholesterol; 150 mg phốt pho; 418mg natri; 3,2mg vitamin PP; 15mcg vitamin A…
Qua số liệu trên có thể thấy, tôm đồng và tôm biển so sánh về giá trị dinh dưỡng không khác nhau bao nhiêu.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết, tôm đồng với tôm biển giá trị như nhau, ăn tôm nào cũng tốt. Còn đối với lượng canxi thì ở tôm đồng và tôm biển cả hai gần như nhau.
Bổ sung thêm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên khoa Hoá thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng điểm khác biệt duy nhất giữa tôm đồng và tôm biển đó là về kích thước và hình dáng. Còn nếu so sánh với cùng một trọng lượng thì giá trị dinh dưỡng là tương đồng.
“Tôm đồng và tôm biển đều có vỏ bên ngoài, có thịt bên trong. Một vấn đề rất nhiều người nhầm lẫn, đó là việc ăn tôm phải ăn cả vỏ để lấy được nguồn canxi từ tôm. Về mặt khoa học đây là một sai lầm. Cách ăn này không hề có giá trị và ý nghĩa gì trong việc tăng cường canxi”, PGS Thịnh chia sẻ.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh, quan niệm ăn tôm đồng để bổ sung canxi từ vỏ tôm là hoàn toàn sai lầm. Bởi thực chất vỏ tôm chỉ là vỏ màng, lớp bảo vệ.
“Nói cách khác đó chính là xác tôm, là phần rác bỏ đi khi tôm nấu chín chứ không chứa nhiều canxi như nhiều người vẫn nghĩ.
Vỏ loài vật chứa nhiều canxi nhất chính là vỏ ốc, nhưng đây lại là canxi vô cơ không ăn được và ăn vào cũng không tiêu hóa được. Còn với con tôm, canxi nằm nhiều ở phần thịt chứ không phải phần vỏ. Canxi trong thịt tôm là canxi hữu cơ, ăn vào cơ thể sẽ hấp thu được”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.
Do đó, đồng tình với quan điểm chuyên gia dinh dưỡng, lượng canxi ở tôm đồng và tôm biển như nhau, có ở trong phần thịt tôm chứ không phải ở vỏ con tôm.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý, người dân không nên nhầm lẫn cho rằng tôm biển, kể cả tôm biển tự nhiên sẽ an toàn vì sạch hơn tôm đồng.
“Thực chất thì không hẳn như vậy. Tôm sống ở biển có thể chứa độc tố, không an toàn bằng tôm đồng. Bởi tôm ở biển ăn tạp, trong đó ăn cả các loại tảo độc (loại tảo đỏ), lâu dần tích tụ trong cơ thể và thành độc tố. Do vậy, con người khi ăn phải thì cũng sẽ bị nhiễm độc, có thể gây ngộ độc, dị ứng.
Còn tôm nước ngọt, nếu sống trong môi trường ô nhiễm chúng sẽ bị chết, tôm đa số chỉ sống ở môi trường nước sạch và chúng ăn những sinh vật phù du an toàn, nên không có độc. Do vậy, khi ăn hải sản cần phải hết sức cẩn trọng về vấn đề độc tố, dị ứng”, PGS Thịnh cảnh báo.
Trả lời câu hỏi liệu tôm đồng với tôm biển loại nào dễ gây dị ứng với người ăn hơn, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, phản ứng dị ứng là do cơ địa của người ăn. Khi cơ địa dễ bị dị ứng thì tôm đồng hay tôm biển cũng sẽ là tác nhân dễ làm dị ứng. Tình huống nữa là khi ăn tôm ươn thì cũng dễ gây dị ứng.
N. Huyền