Ăn quá nhiều ngày Tết, 10 cách giảm đầy bụng, ợ hơi
Đầy hơi sau khi ăn quá nhiều là cảm giác mà hầu hết mọi người đều trải qua, đặt biệt là vào mỗi dịp Tết. Nó có thể khiến dạ dày khó chịu, có thể kèm theo đầy hơi hoặc ợ hơi...
Dịp Tết, mỗi khi đến bữa là nhà chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) lại căng thẳng. Con bé 6 tuổi thì càu nhàu "con vẫn no, đang đầy bụng không muốn ăn", con trai 15 tuổi ngược lại ăn rất tập trung nhưng đến cuối bữa là ợ hơi rất to.
“Nhiều hôm có khách phát ngượng vì nó cứ như muốn nôn ngay ra bàn ăn”, chị Mai than phiền.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự như gia đình chị Mai, nhà anh Hoàng cũng vậy. Anh cho biết, trong dịp Tết không chỉ anh mà các thành viên trong nhà luôn trong tình trạng đầy bụng do ăn quá nhiều.
“Ở nhà thì bánh kẹo, đồ ăn lúc nào cũng sẵn, nên trẻ bon mồm ăn khoẻ. Nếu đi chúc Tết lại càng không tránh khỏi việc ăn. Ít thì cũng vài hạt, cái bánh cái kẹo… thậm chí có khi còn dùng bữa. Về cơ bản, dạ dày không lúc nào rỗng. Vì thế, hàng ngày tôi vẫn cố gắng “bắt” các con đạp xe tối thiểu 1h nhưng cũng không cải thiện được tình trạng này là bao”, anh Hoàng than phiền.
Ăn quá nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, cách nào giảm đầy bụng, ợ hơi? |
Chia sẻ về tình trạng này, BS. Hà Linh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết đầy hơi sau khi ăn quá nhiều là cảm giác mà hầu hết mọi người đều trải qua, đặt biệt là vào mỗi dịp Tết. Nó có thể khiến dạ dày bị sưng và khó chịu, có thể kèm theo đầy hơi hoặc ợ hơi.
Nguyên nhân của tình trạng này theo BS Hà Linh là do một lượng lớn không khí hoặc khí tích tụ trong đường tiêu hóa. Ăn uống là nguyên nhân phổ biến gây ra đầy bụng vì khi cơ thể tiêu hóa thức ăn sẽ tạo ra khí. Mọi người cũng nuốt không khí khi ăn hoặc uống, sau đó đi vào đường tiêu hóa.
Mặc dù đầy hơi sau khi ăn không phải là bất thường, không đáng lo ngại nhưng có một số cách để tránh. Theo đó có 10 cách để bạn ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng đầy hơi khó chịu.
1. Không ăn quá nhiều chất xơ
Chất xơ trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cơ thể không tiêu hóa được. Tuy nhiên chất xơ có một số chức năng quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và lượng đường tiêu thụ. Tuy vậy, thực phẩm giàu chất xơ có thể khiến một số người sinh ra nhiều khí. Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn giảm chất xơ giúp giảm đầy hơi ở những người bị táo bón vô căn.
Ví dụ về thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: đậu, đậu lăng, trái cây, chẳng hạn như táo và cam, ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bắp cải Brucxen…
2. Lưu ý về tình trạng không dung nạp thực phẩm và dị ứng
Đầy hơi là một triệu chứng điển hình của chứng không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm. Không dung nạp và dị ứng có thể tạo ra quá nhiều khí hoặc khí bị mắc kẹt trong đường tiêu hóa. Các loại thực phẩm có nhiều khả năng gây ra điều này là lúa mì hoặc gluten. Không có thử nghiệm đáng tin cậy nào để xác định chứng không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm cụ thể, vì vậy cách tốt nhất để xác định chúng là thông qua lịch sử ăn uống. Có thể bạn cần ghi nhật ký thực phẩm để theo dõi thực phẩm nào gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như đầy hơi.
3. Tránh thức ăn giàu chất béo
Chất béo là một phần thiết yếu của bất kỳ chế độ ăn uống lành mạnh nào và là một nguồn năng lượng quan trọng. Cơ thể tiêu hóa chất béo chậm vì chúng mất nhiều thời gian hơn hầu hết các loại thực phẩm khác để đi qua đường tiêu hóa và có thể trì hoãn việc làm rỗng dạ dày. Ở một số người, điều này có thể gây đầy hơi. Đối với những người gặp phải tình trạng này, tránh thực phẩm giàu chất béo có thể giúp giảm đầy hơi.
Ví dụ, một nghiên cứu ở những người có vấn đề về dạ dày đã phát hiện ra rằng các bữa ăn giàu chất béo gây ra các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm cả đầy hơi.
4. Uống và ăn chậm
Uống hoặc ăn quá nhanh làm tăng lượng không khí mà một người nuốt vào, có thể dẫn đến tích tụ nhiều khí hơn trong đường tiêu hóa. Đối với những người ăn uống nhanh no, đây có thể là nguyên nhân gây chướng bụng; giảm tốc ăn có thể giảm thiểu các triệu chứng đường tiêu hóa.
5. Tránh đồ uống có ga
Đồ uống có ga chứa carbon dioxide, một loại khí có thể tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Điều này cũng có thể xảy ra với các phiên bản ăn kiêng của đồ uống có ga. Nước vẫn là sự thay thế tốt nhất cho đồ uống có ga để giảm nguy cơ đầy hơi.
6. Gừng
Gừng là một phương thuốc truyền thống cho các vấn đề tiêu hóa. Gừng có chứa chất carminative, giúp giảm lượng khí thừa trong đường tiêu hóa. Một đánh giá năm 2013 cho rằng gừng có một số lợi ích về sức khỏe, bao gồm giảm bớt các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi.
7. Tránh nhai kẹo cao su
Nhai kẹo cao su khiến bạn nuốt nhiều không khí hơn. Không khí này có thể tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi ở một số người.
8. Vận động nhẹ sau khi ăn
Tập thể dục nhẹ sau khi ăn, chẳng hạn như đi bộ, có thể giúp giảm đầy hơi cho một số người. Một nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nhẹ nhàng giúp loại bỏ khí khỏi đường tiêu hóa và giảm đầy hơi.
9. Tránh nói chuyện trong khi ăn
Nói chuyện trong khi ăn làm tăng lượng không khí nuốt phải. Điều này có thể gây tích tụ không khí trong đường tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi.
10. Trị chứng ợ chua
Ợ chua xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên cổ họng, có thể gây ra cảm giác nóng rát khó chịu. Nó cũng là một nguyên nhân phổ biến của chứng đầy hơi. Điều trị chứng ợ nóng có thể là một cách giảm đầy hơi hiệu quả đối với một số người. Một người có thể điều trị chứng ợ nóng bằng cách sử dụng thuốc không kê đơn như thuốc kháng axit.
Một lần nữa BS Hà Linh nhấn mạnh, đầy hơi sau khi ăn là một trải nghiệm phổ biến và thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Những người bị đầy hơi chướng bụng thường có thể điều trị các triệu chứng của họ tại nhà.
Tuy nhiên theo BS Hà Linh, nếu đau bụng đi kèm với đầy hơi, một người có thể đang có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Theo đó nếu đầy hơi đi kèm các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, giảm cân không mong muốn, kích ứng da… thì nên đi khám bác sĩ. Hoặc những người bị đầy hơi sau hầu hết các bữa ăn cũng nên được thăm khám y tế.
N. Huyền