Ấn Độ liên tục tập trận trên biển sau căng thẳng tại biên giới Trung Quốc
Ấn Độ đang tăng cường các cuộc tập trận trên biển, điều này dường như một động tác cứng rắn thể hiện ra bên ngoài sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc va chạm tại vùng biên giới tranh chấp trên đất liền
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hồi tuần trước, hải quân Ấn Độ và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tiến hành đợt tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Đây là một phần trong hoạt động của “Bộ Tứ” với các thành viên gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong thời gian qua, Ấn Độ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận song phương, thậm chí đề xuất ý tưởng đưa Australia vào tham gia cuộc diễn tập chung mang tên Malabar mà Ấn Độ vẫn tiến hành cùng với Nhật Bản và Mỹ.
Ông Lin Minwang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Fudan cho rằng, Ấn Độ đã dựa vào mối quan hệ với Mỹ để được phát triển thành liên minh “Bộ Tứ”.
Binh sĩ Nhật Bản chào mừng tàu chiến Ấn Độ tham gia tập trận chung. (Ảnh: Twitter) |
Những năm gần đây, Ấn Độ đã ký kết một vài thỏa thuận với Mỹ bao gồm cả lĩnh vực quân sự. Cụ thể là Bản ghi nhớ Trao đổi Hậu cần nhằm cho phép hai nước sử dụng căn cứ mặt đất, không quân và hải quân của nhau phục vụ công tác sửa chữa và tiếp tế; Thoả thuận Trao đổi Bảo mật và Truyền thông nhằm mở đường cho việc mua bán các thiết bị quân sự của Mỹ và Thoả thuận Bảo mật Thông tin quân sự chung giúp hai bên chia sẻ các thông tin mật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đề ra kế hoạch xây dựng “Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương” giúp đảm bao an ninh trên biển.
“Mối lo ngại chiến lược đối với Ấn Độ hiện nay chính là Trung Quốc”, ông Lin nhận định.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng bùng phát từ đầu tháng Năm trong quá trình binh sĩ hai bên tiến hành tuần tra dọc LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Trong hai tháng qua, căng thẳng tranh chấp biên giới Trung - Ấn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với sự xuất hiện của nhiều cuộc ẩu đả dọc tuyến đường biên giới dài 3.400 km.
Vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ Trung - Ấn khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6 được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Phía Trung Quốc vẫn giữ bí mật về con số thương vong sau xung đột. Một số nguồn tin cho rằng trong vụ ẩu đả, phía quân đội Trung Quốc đã có tới 43 binh sĩ tử vong. Địa điểm đối đầu cũng khiến Bắc Kinh vô cùng quan ngại, bởi nó nằm gần với hai khu tự trị là Tân Cương và Tây Tạng.
Nhà phân tích hải quân tại Bắc Kinh, ông Li Jie cho biết thêm, trong những năm qua, hải quân Ấn Độ cũng đã tham gia vào nỗ lực của Mỹ nhằm “kiềm chế Trung Quốc” ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.
“Một mình hải quân Ấn Độ không thể cạnh tranh với hải quân Trung Quốc. Việc liên minh với Nhật Bản hoặc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn. Ngoài ra, Ấn Độ cũng mong muốn giành được vị thế trong khu vực, trong khi Mỹ vẫn đang đối đầu với Trung Quốc”, ông Li nói.
Ấn Độ Dương được coi là trung tâm của mạng lưới vận chuyển dầu khí trên toàn cầu và cũng là tuyến đường giao thương quan trọng, nối Trung Quốc với các khu vực khác như châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Do đó, Ấn Độ xem sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là mối đe dọa lớn.
Song mới đây trên tạp chí quân sự Modern Ships, Trung Quốc nhấn mạnh rằng sự hiện diện của lực lượng hải quân quốc gia ở Ấn Độ Dương là một phần trong “xu thế không thể lay chuyển được” bởi giá trị kinh tế của khu vực đối với Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn cả ở Thái Bình Dương.
“Ấn Độ Dương không phải là vùng biển của Ấn Độ, do đó hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục các chuyến đi và hoạt động như bình thường”, ông Li nói.
Minh Thu (lược dịch)