Agribank hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh
Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh
Ngày 02/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng; Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn…
Trong thời gian qua, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Đảm bảo kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, Agribank tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến nay dư nợ cơ cấu lại nợ gốc và lãi là 40.758 tỷ đồng với 4.247 khách hàng.
4 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay của Agribank đạt khoảng 777.657 tỷ đồng, cao hơn 105.854 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Một số lĩnh vực tăng trưởng tín dụng mạnh là công nghệ chế biến chế tạo (tăng 1.778 tỷ đồng), sản xuất và phân phối điện (tăng 1.026 tỷ đồng), bán buôn bán lẻ (tăng 9.478 tỷ đồng), thủy sản (tăng 640 tỷ đồng).
Tập trung dòng vốn vào 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên
Hướng dòng vốn vào 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, năm 2024, Agribank triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho: khách hàng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 2,4%/năm; khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 1,5%/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm và lĩnh vực xanh quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6% cố định trong năm đầu; khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường; chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,0%/năm và phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất chỉ từ 4,0%/năm.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, tính đến 31/3 đã giải ngân trên 70% quy mô chương trình. Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu hệ thống trong giải ngân Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đến nay Agribank đã phê duyệt 08 dự án nhà ở xã hội với tổng tín dụng phê duyệt 2.460 tỷ đồng, thực hiện giải ngân hơn 500 tỷ đồng đến chủ đầu tư dự án và người mua nhà.
Agribank cũng là ngân hàng thương mại cung ứng vốn triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án Vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây vùng ĐBSCL. Trong thời gian tới, Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn và sản phẩm dịch vụ triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Với vai trò ngân hàng thương mại Nhà nước, chủ lực, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, toàn hệ thống Agribank sẽ nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, đáp ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Đậu Linh