69 sản phẩm của Hà Giang được cấp giấy chứng nhận OCOP
Ngày 20/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Hà Giang là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Đây được coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; trong đó, chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi chính là ưu điểm nổi bật mà sản phẩm OCOP Hà Giang đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Sau 1 năm triển khai đề án, Chương trình OCOP tại Hà Giang đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi với những đặc sản nức tiếng vùng cao nguyên đá như: Rượu thóc Nàng Đôn, mật ong bạc hà, thịt bò khô Mèo Vạc, chè Shan tuyết, bánh chưng gù bà Dung… và nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác.
Đến nay, Hà Giang đã có 93 hồ sơ và sản phẩm mẫu đăng ký tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh của tất cả các huyện trong toàn tỉnh, trong đó những huyện có nhiều sản phẩm nhất là Quản Bạ (22 sản phẩm), Bắc Quang (13 sản phẩm), Hoàng Su Phì (12 sản phẩm)…
93 sản phẩm của 53 tổ chức kinh tế đăng ký đánh giá xếp hạng OCOP năm 2019 thuộc 6 nhóm ngành hàng, gồm: Thực phẩm (73 hồ sơ); đồ uống (12 hồ sơ); thảo dược (3 hồ sơ); thủ công mỹ nghệ, trang ký (1 hồ sơ; vải, may mặc (3 hồ sơ); dịch vụ du lịch và bán hàng (1 hồ sơ).
Theo ông Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hội đồng đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giangnăm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnhHà Giang cho biếtđã tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó có 86 bộ hồ sơ của 6 ngành sản phẩm đủ điều kiện đề nghị phân hạng sản phẩm.
Qua đánh giá phân loại có 69 sản phẩm của 43 chủ thể được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 với số điểm từ 50 điểm trở lên, có 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; 21 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 48 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Cụthể, có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, được Hội đồng chấm đạt từ 90 điểm trở lên là trà xanh và hồng trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, đánh giá xếp hạng cấp Quốc gia.
Mật ong bạc hà Cao nguyên đá, Bạch trà, du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, thị treo gác bếp lợn đen vùng cao Hà Giang Hải Khang... được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Bên cạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm, Hà Giang cũng đã tích cực triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, nổi bật; hiện có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý: Mật ong Bạc Hà, Cam sành Hà Giang, Hồng không hạt, Chè Shan tuyết, Gạo già dui, Bò vàng vùng cao.
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận này các huyện, thành phố của Hà Giang đã nỗ lực thực hiện các bước triển khai, hoàn thành chỉ tiêu về sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP: Một số huyện triển khai thực hiện vẫn chưa được tốt, kế hoạch công tác tổ chức cuộc thi cấp huyện còn chậm, lúng túng, thủ tục pháp lý, việc chuẩn bị hồ sơ còn sơ sài, thiếu văn bản minh chứng… nên nhiều sản phẩm đã đạt về chất lượng nhưng vẫn chưa được cấp chứng nhận.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền về kết quả hội thi cấp huyện trên phương tiện thông tin đại chúng chưa kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng.
Vì vậy, thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các huyện hoàn thành thủ tục pháp lý, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp để hình thành sản phẩm hàng hóa. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, mở rộng ra tất cả sản phẩm truyền thống có tiềm năng và du nhập thêm các sản phẩm mới, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, phấn đấu sẽ có những sản phẩm gắn sao cấp quốc gia. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP.