400 triệu đồng để “đánh” siêu vi khuẩn
Bệnh nhân điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai |
Mắc siêu vi khuẩn
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho bệnh nhân N.M.H quê Hà Nội bị mắc siêu vi khuẩn. Bệnh nhân H. có tiền sử tiểu đường và đã thực hiện phẫu thuật ở một vài bệnh viện khác và có thể trong quá trình điều trị đã mắc phải siêu vi khuẩn.
Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai với tình trạng hôn mê sâu, suy đa tạng mà không rõ nguyên nhân. Dựa vào tiền sử của bệnh nhân, bác sĩ đã nhanh chóng cách ly và theo hướng điều trị siêu vi khuẩn cùng kết hợp làm kháng sinh đồ.
Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân phải cẩn thận đeo gang tay, trang phục của nhân viên y tế cách ly và ra khỏi phòng bệnh phải tiêu huỷ hoàn toàn. Bằng mọi biện pháp cách ly tốt nhất.
Thật may, sau bao nỗ lực cố gắng, cuối cùng xác định được bệnh nhân H mắc phải siêu vi khuẩn đa kháng. Để điều trị được, sau nhiều cuộc hội chẩn bác sĩ quyết định sử dụng kết hợp các loại kháng sinh liều cao với mục tiêu đánh nhanh, đánh trúng vào vi khuẩn. Đến nay, sau hai tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng chi phí điều trị lên tới 300 – 400 triệu đồng.
Cùng đó, bệnh nhân N.V.H, 40 tuổi, Hưng Yên cũng mắc vi khuẩn siêu đa kháng khi trích một chiếc nhọt ở gần hậu môn.
Theo người nhà bệnh nhân H. chích nhọt xong thì bị sốt cao liên tục, ý thức xấu dần và suy hô hấp nên phải vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hưng Yên nhưng điều trị không khỏi.
Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ở trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bệnh nhân được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện.
Với những bệnh nhân như bệnh nhân H. mắc vi khuẩn siêu kháng thuốc thì chỉ riêng tiền kháng sinh khoảng gần chục triệu đồng/ngày. Cộng thêm chi phí lọc máu và một số khoản khác thì tiền viện phí hết khoảng 20 triệu đồng/ngày.
Cảnh báo siêu vi khuẩn đa kháng
Theo các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực, với những bệnh nhân mắc phải vi khuẩn và xuất hiện đa kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh thì chứng tỏ bệnh nhân đã sử dụng nhiều loại kháng sinh hoặc tiếp xúc với các loại kháng sinh đặc biệt là tình trạng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi như hiện nay.
Theo GS Bình số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Nhất là tại các đơn vị chăm sóc tích cực, tình trạng này càng đáng ngại. Đây là nơi tập trung bệnh nhân nặng nhất, qua rất nhiều tuyến điều trị, bị kháng thuốc khiến việc điều trị càng khó khăn. Vì kháng thuốc, vi khuẩn khó bị tiêu diệt, bệnh tật sẽ nặng hơn, chi phí tốn kém hơn…
Có 3 mức độ kháng, theo GS Bình nếu đa kháng là tình trạng không nhạy cảm với ít nhất một kháng sinh trong ít nhất là 3 nhóm kháng sinh. Kháng mở rộng là chỉ còn nhạy cảm với một hoặc hai nhóm kháng sinh. Toàn kháng là không nhạy cảm với tất cả các nhóm kháng sinh.
Với việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay thì nguy cơ không có thuốc chữa chỉ xảy ra trong nay mai là rất có thể.
Tại khoa Hồi sức tích cực, qua nghiên cứu của khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn thì có tới 8 % bệnh nhân điều trị ở khoa có nguy cơ nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và trong đó có 40 % (8% mắc) có nguy cơ tử vong và chi phí điều trị trở thành một gánh nặng với gia đình bệnh nhân cũng như xã hội.
Các chuyên gia đều khuyến cáo: Cách tốt nhất là sử dụng kháng sinh có trách nhiêm