4 thanh niên 9X bỏ phố lên rừng khởi nghiệp theo mô hình Israel
4 bạn trẻ 9X đã quyết định bỏ phố lên rừng khởi nghiệp bằng nghề nông phát triển theo hướng sản suất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái theo mô hình nông nghiệp Israel.
Các thành viên nông trại The Moshav Farm đang thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp. |
Không học chuyên ngành về nông nghiệp nhưng với niềm đam mê, 4 bạn trẻ 9X đã quyết định bỏ phố lên rừng khởi nghiệp bằng nghề nông. Cuối năm 2018, mô hình nông trại The Moshav Farm (tại xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ra đời và đang phát triển theo hướng sản suất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái.
Làng nông theo mô hình Israel
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tìm đến nông trại The Moshav Farm ở thôn 3 Suối Mơ, xã Ninh Thượng. Trước mắt chúng tôi, 40ha đất xưa trồng mía bây giờ đã được quy hoạch bài bản thành các khu trồng từng loại cây khác nhau như: chuối, xoài, bưởi da xanh… kèm với hệ thống vườn ươm. Dưới mỗi gốc cây được lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, phủ thêm lớp rơm, ở các khoảng đất trống đầy cỏ dại. Lý giải về cách trồng này, anh Nguyễn Tá Đông, 30 tuổi, quê Đắk Lắk - 1 trong 4 chủ nhân của trang trại, cũng là người khởi xướng mô hình giải thích: “Đất ở đây rất khô cằn, chúng tôi để cỏ dại mọc tự nhiên và phủ rơm ở mỗi gốc cây nhằm giúp giữ ẩm cho đất và cây”. Đi cùng với khu sản xuất, nông trại The Moshav Farm còn quy hoạch các khu đất phục vụ cho du lịch sinh thái như: lều sách, các homestay, sân golf, nhà hàng, hội trường, rừng thông, khu chăn nuôi… để phát triển trong tương lai.
Rau má sau khi thu hoạch được phân loại sạch sẽ. |
Khác với mô hình trồng cây của các hộ nông dân ở đây, mô hình The Moshav Farm tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách áp dụng quản lý theo hướng hiện đại, hạn chế sử dụng nhiều nhân công. Nông trại được phân chia khu cây trồng thành từng lô, đánh dấu bằng số để quản lý trên máy tính. Đồng thời, phân chia khu vực chăm sóc, quản lý cây trồng cho từng nhóm người cụ thể. Kết quả công việc được báo cáo hàng ngày, tuần và được quản lý trên máy tính. Do đó, để đạt được hiệu quả, đòi hỏi các thành viên phải biết kết hợp làm việc theo nhóm, đồng thời phải tự tìm tòi cách thức chăm sóc phù hợp cho loại cây được giao.
Với định hướng phát triển nông sản sạch, tất cả các cây trồng ở nông trại đều được bón bằng phân hữu cơ do nông trại tự sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: phân bò, rơm rạ kết hợp với ủ men. Anh Hoàng Nam - thành viên của nông trại cho biết, do áp dụng mô hình phát triển sạch nên các cây ăn trái đang phát triển tốt, ít sâu bệnh. Dự kiến khoảng 2 - 3 năm sẽ cho quả. Để lấy ngắn nuôi dài, nông trại đang trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như: rau, đậu, bí, dưa, mướp… để bán lấy kinh phí. “Hiện nay, vườn rau má của nông trại cho thu hoạch từ 100 - 150kg/ngày, các loại đậu mỗi vụ thu được 4 - 5 tấn. Các sản phẩm nông trại bán ra đều nhận phản hồi tốt từ khách hàng, thậm chí có một số mặt hàng không đủ cung cấp nên chúng tôi phải từ chối 1 số đơn hàng”, anh Nam khoe.
Với mô hình mới, The Moshav Farm nhận được nhiều thực tập sinh đến học tập kinh nghiệm để khởi nghiệp và thử nghiệm các dự án nông nghiệp khác. Hiện tại, nông trại đang kết hợp với một số thực tập sinh xây dựng vườn dược liệu; trồng và sản xuất trà đậu biếc… Qua gần 1 năm rưỡi hoạt động, mô hình nông trại đã thu hút một số bạn trẻ ở các tỉnh, thành phố khác tìm đến xã Ninh Thượng mua đất và hình thành một số nông trại vệ tinh.
Bỏ phố lên núi khởi nghiệp
Từng được một công ty trong lĩnh vực logistics mời về làm việc khi còn chưa tốt nghiệp đại học, song anh Nguyễn Tá Đông lại quyết định tìm một hướng rẽ ít người đi - tu nghiệp tại Israel, đất nước Trung Đông có nền nông nghiệp công nghệ cao để học tư duy phát triển nông nghiệp của người Do Thái đem về áp dụng tại Việt Nam.
Anh Đông kể, duyên đưa anh đến với quyết định này là do trong thời gian làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu, phụ trách mảng giấy tờ về nông sản, nhận thấy giá trị nông sản Việt Nam quá thấp, không xứng với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với vấn đề được mùa mất giá. Anh Đông trăn trở phải làm gì đó để thay đổi hiện trạng trên. Năm 2015, anh Đông quyết định nghỉ việc để thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp. Để có kiến thức, anh Đông đăng ký tu nghiệp sinh tại Israel. “Quyết định đi của tôi là chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng vì lúc nộp hồ sơ cũng đồng thời chuẩn bị kết hôn. Thời điểm ấy thông tin trên mạng rất ít, gia đình, bạn bè đều phản đối, lo sợ. May mắn được vợ ủng hộ, tôi đánh liều vay 40 triệu đồng làm hồ sơ đăng ký”, anh Đông nói.
Sau một năm trải nghiệm học tập và làm việc, anh Đông trở về nước và rủ thêm 3 người bạn có cùng đam mê với mình khởi nghiệp theo mô hình của Israel. Đó là xây dựng mô hình làng nông nghiệp sạch, kết nối với nhau trong sản xuất lẫn phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái. Và ở đó sẽ có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ đi kèm cho người dân sinh sống ở làng như: trường học, y tế, khu thể dục thể thao… Tháng 10-2018, làng nông nghiệp mang tên The Moshav Farm ra đời ở xã Ninh Thượng.
Niềm vui của Đông khi thu hoạch thành quả lao động. |
Là một trong những nông trại vệ tinh gần của The Moshav Farm, được hình thành giữa năm 2019, hai anh Trần Ngọc Minh và Hà Minh Trung (thuộc thế hệ 9X) chọn cây dừa là cây chủ lực phát triển. Tổng diện tích nông trại của hai anh rộng hơn 9ha, trong đó có 3ha cây keo lai đã hơn 1 năm tuổi, dự tính sau này khi cây lớn sẽ quy hoạch làm khu du lịch sinh thái trải nghiệm, 4ha trồng dừa, còn lại trồng các loại rau ngắn ngày như mướp đắng và đậu.
Đều tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, sau khi ra trường, anh Minh và anh Trung đều có được công việc đúng chuyên môn. Anh Trung làm trưởng bộ phận với mức lương thu nhập 40 triệu đồng/ tháng, còn anh Minh lương hơn 25 triệu đồng. Thế nhưng, sau một lần tình cờ lạc vào trang nông trại The Moshav Farm trên mạng, hai anh quyết định nghỉ việc, dùng số tiền dành dụm được về vùng núi xã Ninh Thượng… làm nông. “Quyết định rời bỏ một công việc ổn định, đi đầu tư xây dựng một mô hình kinh tế mới hoàn toàn mà bản thân không có thế mạnh, thật sự khi đấy ngoài ý chí dám nghĩ dám làm còn có một chút máu “liều”. Khi đó, trong mắt bạn bè không ít người còn cho rằng tôi gàn dở. Không riêng gì người ngoài, mà cả bố mẹ cũng phản đối quyết liệt. Sau gần 1 năm xây dựng, tuy thu nhập từ cây ngắn ngày chỉ đủ trang trải cuộc sống và tái đầu tư nhưng tôi khá hài lòng về quyết định của mình”, anh Minh nói.
Hiện nay, ngoài nông trại của nhóm anh Đông, tại xã Ninh Thượng đã có 5 nông trại với mô hình tương tự. Dự kiến cuối năm 2021, có thêm 5 nông trại khác được hình thành.
Chia tay với các bạn trẻ làm nông nghiệp, chúng tôi mang theo niềm tin, mỗi cường quốc nông nghiệp đều bắt đầu từ những cá nhân dám nghĩ, dám làm. Với niềm tin đó, họ sẽ tạo ra những trang trại đầy hoa thơm, trái ngọt và cũng là nơi chắp cánh những ước mơ vươn xa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Hồng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Startup Khánh Hòa: Mô hình khởi nghiệp The Moshav Farm là một mô hình rất năng động của các bạn trẻ. Các bạn đã ứng dụng công nghệ và mô hình nông nghiệp Israel vào thực tế để hướng đến nâng cao chất lượng cho nông sản Việt. Không chỉ vậy, The Moshav Farm còn đào tạo và thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu thích nông nghiệp sạch trên cả nước đến tham gia trải nghiệm, học hỏi. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của giới trẻ về nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm
Người đàn ông bỏ công việc nhà nước về trồng rau trái vụ ở Mù Cang Chải thu tiền tỷ
Sản xuất rau trái vụ không khó và thấy rõ hiệu quả, nhưng để thành công thì phải giải quyết được bài toán đầu ra.
Theo Vân Ly (Báo Khánh Hòa)