20.000 “ma men” bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý trong thời gian tổng kiểm soát
Theo thông tin từ Cục CSGT – Bộ Công an, từ 15/5-15/6, tổng kiểm soát phương tiện, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 400.000 trường hợp vi phạm, trong đó có hơn 20.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Giảm gần 1.600 vụ tai nạn trong 6 tháng đầu năm
Ngày 17/6, tin từ Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) cho biết lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, lập biên bản hơn 401.000 trường hợp vi phạm; tước giấy phép lái xe gần 27.300 trường hợp. So với thời gian liền kề trước khi thực hiện kế hoạch, số vi phạm tăng gần 73.400 trường hợp (tăng 160%).
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý người vi phạm giao thông. |
Hành vi vi phạm tập trung xử lý: 276 trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma tuý; 20.120 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; hơn 33.300 trường hợp vi phạm tốc độ…
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ việc phạm pháp hình sự, buôn lậu, gian lận thương mại bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, lực lượng CSGT phát hiện 381 vụ, bắt giữ 458 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.
Còn theo thống kê của Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/6/2020), toàn quốc xảy ra 6.781 vụ tai nạn giao thông, làm 3.235 người tử vong, 4.939 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.598 vụ, giảm 572 người chết và giảm 1.419 người bị thương.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tăng (xảy ra 23 vụ, làm chết 74 người, bị thương 12 người). Đặc biệt nổi lên các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia; tai nạn giao thông liên quan đến các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
Cũng theo thông tin từ Cục CSGT trong 6 tháng đầu năm, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ việc phạm pháp hình sự, buôn lậu gian lận thương mại bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, lực lượng cảnh sát phát hiện 381 vụ, bắt giữ 458 đối tượng có dấu hiệu tội phạm. Trong đó có 95 vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; 95 vụ buôn lậu và gian lận thương mại; tang vật thu giữ: 18 bánh heroin,3,572 kg heroin, 14,6 kg ma túy đá, 02 kg ketamin, 30.046 viên ma túy tổng hợp.
Điển hình là vụ việc lực lượng CSGT – Công an tỉnh Bắc Kạn bắt 01 vụ, thu giữ 14 bánh heroin còn lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa bắt 05 vụ, thu giữ 4.025 viên ma túy tổng hợp, 5,3kg ma túy đá.
Lực lượng CSGT – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bắt 02 vụ, thu giữ 01 kg ma túy đá...; xảy ra 03 vụ chống người thi hành công vụ (Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Lai Châu), bắt giữ 03 đối tượng, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Đang hoàn thiện dự luật an toàn giao thông
Cục CSGT đã tham mưu Bộ Công an báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ có Nghị quyết chấp thuận cho phép xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Lực lượng CSGT ra tiến hiệu dừng xe để kiểm tra xử lý. |
Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được xây dựng theo hướng tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật: Luật Giao thông vận tải đường bộ do Bộ GTVT chủ trì thực hiện vàLuật bảo đảm TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Theo đó, những vấn đề thuộc về trật tự an toàn cho tổ chức, cá nhân tham gia giao thông được đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản sẽ thuộc sự điều chỉnh của Luật bảo đảm TTATGT đường bộ. Luật điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông, các biện pháp tổ chức hoạt động giao thông an toàn. Đây cũng là xu hướng xây dựng pháp luật hiện đại.
Hiện Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện dự án luật để báo cáo Chính phủ và cùng với Luật Giao thông vận tải đường bộ (sửa đổi) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Hải Ngọc