2 người đàn ông hành hung nữ tài xế sau va chạm giao thông: Xem thường tính mạng người khác, gây rối, cần xử lý hình sự làm gương
Theo luật sư, đối với 2 người đàn ông đánh phụ nữ sau vụ va chạm giao thông, lực lượng chức năng sẽ điều tra làm rõ và xử lý theo quy định để làm gương, tránh các hành vi xem thường tính mạng, sức khỏe người khác...
Liên quan đến vụ 2 gã đàn ông lái xe ô tô đánh người phụ nữ lái xe ô tô sau va chạm thông, trao đổi với PV Infonet, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, đơn vị đã cử đội cảnh sát hình sự xuống hiện trường để tiến hành điều tra, làm rõ. Cơ quan công an cũng đang khẩn trương truy tìm 2 người hành hung người phụ nữ lái xe ô tô”.
Khu vực hiện trường xảy ra vụ việc. |
Theo vị lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân, vụ việc xảy ra không làm người phụ nữ điều khiển xe ô tô bị thương nặng. Tuy nhiên, việc truy tìm 2 người đàn ông đánh người như trong clip vẫn được khẩn trương tiến hành và sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Còn chị L.H.P., nhân chứng cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 30/5. "Lúc đó, tôi đang làm việc ở tòa nhà cạnh đó thì nghe thấy tiếng cãi vã. Quay ra xem thì đã thấy vụ va chạm xảy ra rồi.
Khi xảy ra vụ tai nạn xảy ra, người lái ô tô thể hiện thái độ cầu thị, liên tục nói xin lỗi cố gái đi xe máy điện (mặc váy đen) và phân trần về nguyên nhân va chạm...
Chị ấy giải thích nhưng cô gái kia không nghe mà còn chửi bới lại rất tục tĩu, thách thức, đe dọa đối phương", nhân chứng vụ việc kể.
Sau một hồi cự cãi, cô gái đi xe máy điện gọi điện cho người thân đến hiện trường. Chị P. cho biết có 2 người đàn ông, trong đó một người xưng là chồng cô gái đi xe máy điện đến sau ít phút.
"Ngay khi vừa đến, người xưng là chồng người mặc váy đen lập tức tát mạnh vào mặt chị lái ô tô kèm những lời chửi bới rất vô văn hóa. Lúc này, tôi và chồng cũng xuống để can ngăn", chị P. cho hay.
Dù bị một số người dân can lại, 2 người đàn ông vẫn cố đánh, tát vào đầu nữ tài xế điều khiển ô tô. "Chị ấy bị sưng đỏ ửng một bên mặt. Tuy nhiên, suốt sự việc, chị ấy vẫn giữ thái độ bình tĩnh, nói chuyện lịch sự, không chửi bới", người chứng kiến vụ việc kể lại.
Sau khoảng 15 phút, cô gái đi xe máy điện cùng 2 người đàn ông bỏ đi. Nạn nhân cũng lên xế hộp rời hiện trường. Nữ tài xế ô tô đã đến trụ sở công an địa phương để trình báo vụ việc.
Toàn bộ vụ việc được camera giám sát trên ô tô của nạn nhân quay lại. Sáng 31/5, video được lan truyền trên mạng xã hội và thu hút nhiều bình luận, chia sẻ.
Hành vi đánh phụ nữ của người đàn ông mặc áo đen khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. |
Trao đổi với PV Infonet về sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật) cho rằng: “Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng”.
“Bên cạnh những người dân, người tham gia giao thông có ý thức tốt, có văn hoá cũng có một bộ phận không nhỏ những dân, người tham gia giao thông có ý thức kém, thậm chí đáng báo động bởi những hành vi phản văn hoá.
Đáng lẽ ra khi có tai nạn thì gọi lực lượng chức năng đến giải quyết, nếu không đáng thì có thể hòa giải để không cản trở giao thông; tuy nhiên, trong trường hợp này người đàn ông đánh phụ nữ thể hiện tính côn đồ, có dấu hiệu hành vi gây mất trật tự công cộng.
Đồng thời, qua theo dõi thông tin trên mạng xã hội, có thông tin cho biết người phụ nữ tài xế đang cấy thai. Do đó, nếu hành vi của người đàn ông trong đoạn clip gây tổn hại sức khỏe hoặc tinh thần cho nạn nhân và có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Lực lượng chức năng sẽ điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định để làm gương, tránh các hành vi xem thường tính mạng, sức khỏe người khác cũng như văn hóa khi tham gia giao thông.
Đồng thời, cũng cần xử lý người đi xe đạp điện và những người khác về hành vi gây mất trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Theo luật sư, người có hành vi gây rối trật tự nơi công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, cụ thể: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2 - 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối.
Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm; Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Sông Yên