10 quốc gia ‘vất vả’ nhất khối OECD
Hãng tin CNN đã tổng hợp và phân tích số liệu về lao động của một số nước công nghiệp phát triển dựa trên những thống kê, khảo sát của tổ chức OECD. Theo phát hiện của CNN, Mỹ là một trong những quốc gia có môi trường lao động vất vả nhất thế giới nhưng họ vẫn chưa thể đứng đầu danh sách.
1. Mexico
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 2.317 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 9.885 USD
Tại Mexico, mỗi lao động làm việc trung bình 45 giờ/tuần, cao nhất trong số các nước công nghiệp hoá. Số giờ làm việc trong một năm của họ nhiều hơn khoảng 519 giờ so với lao động Mỹ, trong khi lại có mức lương thấp hơn 20%. Khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng các quốc gia công nghiệp hoá về lĩnh vực giáo dục và môi trường làm việc, Mêhicô thoát khỏi vị trí "đội sổ" trong cả hai lĩnh vực này. Chỉ có khoảng 1/3 số người trưởng thành, trong độ tuổi 25-64 có mức thu nhập tương đương một người tốt nghiệp trung học. Hiện có một sự chênh lệch lớn về giới trên thị trường việc làm, theo đó có 78% số nam giới có việc làm, so với tỷ lệ khoảng 43% của phụ nữ.
2. Chile
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 2.102 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 15.820 USD
Tại Chile, khoảng 16% số lao động làm việc hơn 50 giờ/tuần. Trong một năm, người lao động Chile làm việc nhiều hơn 300 giờ so với một lao động Mỹ.
Theo OECD, sự mất cân bằng xã hội ở Chile là nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia công nghiệp hoá. Khoảng 20% số dân giàu nhất của Chile có mức thu nhập sau thuế khoảng 31.000 USD/năm, trong khi 20% số dân nghèo nhất có thu nhập không đầy 2.400 USD/năm.
3. Hàn Quốc
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 2.092 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 35.406 USD
Thị trường lao động của Hàn Quốc hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng các vấn đề truyền thống nên sự bất bình đẳng giới là khá rõ nét. Khoảng 75% số nam giới Hàn Quốc có việc làm được trả lương, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ là 53%. Trung bình, một nam giới mất 45 phút/ngày để nấu ăn, lau dọn nhà cửa, một trong những công việc "thấp kém" nhất của nam giới ở các nước công nghiệp phát triển. Con số này chỉ bằng 1/5 so với mức thời gian trung bình 227 phút mà phụ nữ Hàn Quốc dành để làm việc nhà.
OECD cảnh báo khi số dân trong độ tuổi làm việc của Hàn Quốc già đi, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ kép: quá ít trẻ em và quá ít phụ nữ có việc làm.
4. Estonia
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 2.021 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 17.323 USD
Tại Estonia, mức lương thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại cao so với các quốc gia châu Âu khác. Người lao động ở nước này làm việc 40 giờ/tuần và sự linh hoạt trong lịch làm việc là không phổ biến. Chỉ có 10% số lao động ở Estonia làm việc bán thời gian.
5. Nga
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 2.002 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 15.286 USD
Thời gian làm việc trong một tuần bình thường ở Nga là 40 giờ, và các quy định nghiêm ngặt về làm việc ngoài giờ có nghĩa ít lao động phải làm việc hơn 50 giờ. Trong khi đó, các quy định cho phép tất cả lao động làm việc 28 ngày trong một tuần, ngoài các ngày nghỉ chính thức. Trung bình, lao động Nga làm việc nhiều hơn 200 giờ so với lao động Mỹ, chủ yếu do công việc bán thời gian rất hiếm. Chỉ khoảng 5% số lao động ở Nga làm việc bán thời gian.
6. Mỹ
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 1.798 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 54.450 USD
Khoảng 80% số lao động Mỹ làm việc ít nhất 35 giờ/tuần, và nước này chỉ là quốc gia công nghiệp phát triển duy nhất không đảm bảo người lao động được nghỉ vài lần trong một năm. Không giống như hầu hết quốc gia châu Âu, các luật lao động của Mỹ không đảm bảo người lao động có thể nghỉ ốm hay thai sản. Trong khi đó, các lao động làm việc trong ngành khai khoáng và lâm nghiệp có xu hướng làm việc nhiều giờ nhất, trung bình 44 giờ/tuần.
7. Ba Lan
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 1.893 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 20.069 USD
Người lao động ở Ba Lan làm việc trung bình 40 giờ/tuần, nhưng chỉ khoảng 10% số nam giới làm việc “nhàn nhã” như vậy, trong khi thường thường giờ lao động làm việc trong một tuần ở nước này kéo dài hơn 50 giờ. Các công việc làm tạm thời cũng khá phổ biến, với khoảng 1/5 số lao động ở Ba Lan làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn.
8. Hungary
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 1.797 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 19.437 USD
Năm 2002, Hungary đã xem xét giảm giờ làm việc chính thức xuống 38 giờ. Tuy vậy, đề xuất này không bao giờ trở thành luật và khoảng 71% số lao động làm việc ở Hungary vẫn làm việc từ 39-41 giờ/tuần. Giống như các nước Trung Âu khác, tỷ lệ công việc bán thời gian là rất thấp. Chỉ khoảng 5% lao động Hungary làm việc ít hơn 30 giờ/tuần.
9. Nhật Bản
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 1.765 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 35.143 USD
Các lao động Nhật Bản nổi danh về thời gian làm việc kéo dài. Năm 2012, Nhật Bản đứng thứ 9 trong số các nước công nghiệp phát triển về thời gian làm việc nhiều nhất trong một năm. Tuy vậy, thời gian làm việc của lao động Nhật Bản giảm dần kể từ thập niên 1990. So với 1.910 giờ làm việc của hồi năm 1996, con số này của năm 2012 ít hơn 145 giờ.
10. CH Séc
- Số giờ làm việc trung bình hàng năm: 1.749 giờ
- Mức lương trung bình hàng năm: 19.068 USD
Tương tự như Nga, công việc bán thời gian gần như không tồn tại ở CH Séc. Chỉ có 4% số lao động nước này làm việc ít hơn 30 giờ/tuần.