Yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về việc ưu đãi thuế dàn trải, thiếu minh bạch
Mới đây, trích dẫn thông tin từ chuyên gia của Tổ chức Oxfam cho biết, Việt Nam áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế dàn trải, phức tạp, thiếu minh bạch, tạo lỗ hổng thuế và khuyến nghị cần công bố khoản chi ngân sách tương đương với ưu đãi thuế (do thu giảm), phân tích chi phí - trừ lợi ích và giảm dần sử dụng ưu đãi thuế.
Hiện có hơn 30 lĩnh vực khuyến khích, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi tại 53/63 tỉnh, chưa kể 300 khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trước thông tin này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu vấn đề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó không lâu, Tổ chức Oxfam – một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng đã đưa ra báo cáo nghiên cứu đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam.
Theo đó, báo cáo của Tổ chức này cho biết, Việt Nam đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế cao đối với các dự án đầu tư vào địa bàn kém phát triển song các vùng này vẫn khó thu hút đầu tư. Việt Nam cũng áp dụng chính sách ưu đãi cao đối với các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, cho đến nay, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khá thấp.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam khá phức tạp do phạm vi ưu đãi còn dàn trải (bao gồm cả ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn). Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, chính sách ưu đãi thuế đang được áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Về địa bàn, chính sách ưu đãi thuế được áp dụng đối với địa bàn ưu đãi đầu tư, bao gồm cả các huyện, thị xã của 53 tỉnh trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất phủ cũng thuộc diện áp dụng chính sách ưu đãi thuế.