Xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP Lạng Sơn
Toàn tỉnh Lạng Sơn có 26 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop.
Hiện nay, cây na Chi Lăng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch năm 2021. Tổng diện tích cây na của 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng là gần 4.000 ha, trong đó diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap là hơn 600 ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap khoảng hơn 100 ha, còn lại là na sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Dự kiến tổng sản lượng thu hoạch vụ na năm nay ước đạt gần 34.000 tấn.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP Lạng Sơn. (Ảnh: TTĐT Huyện Chi Lăng) |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm Ocop tỉnh Lạng Sơn do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức vào ngày 19/7, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu phụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị tập trung.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm, triển khai tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao chất lượng các nông sản chủ lực theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, Global Gap, quy trình xây dựng các sản phẩm Ocop, quy hoạch mã vùng trồng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm khi mùa vụ thu hoạch bắt đầu, UBND tỉnh rất mong muốn các tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ nông dân tỉnh Lạng Sơn tiêu thụ sản phẩm quả na Chi Lăng và các sản phẩm Ocop của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn đặc biệt là sản xuất cây ăn quả đặc sản như na, hồng, cây có múi… Lạng Sơn đã hình thành vùng sản xuất na tập trung tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích 3.500 ha, tổng giá trị sản xuất na ước khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn đã có trên 2.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VIETGAP, Global… Đối với chương trình Ocop, tỉnh Lạng Sơn xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm Ocop cấp tỉnh để hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xây dựng hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá giới thiệu sản phẩm Ocop gồm 12 điểm trên 11 huyện, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop.
Vùng sản xuất hồng tại các huyện Văn Lãng, Cao Lộc với diện tích 1.700ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm. Vùng sản xuất rau tại TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia với các loại rau ngồng, bắp cải, bò khai, ngồng hoa vàng đạt khoảng 3.000ha, tổng giá trị thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vùng cây thạch đen tại huyện Tràng Định, Bình Gia có diện tích trên 3.000ha, sản lượng 10.000 tấn, giá trị đạt 250 tỷ đồng/năm. Để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng cho trên 220ha nông sản các loại.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá cao cách làm của tỉnh Lạng Sơn trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na. Đồng thời đề nghị trong thời điểm dịch bệnh hiện nay và theo xu thế công nghệ 4.0, không chỉ sản phẩm na mà các nông sản khác của địa phương cũng cần áp dụng cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành hỗ trợ cho na Chi Lăng và các sản phẩm Ocop của tỉnh tiêu thụ thuận lợi.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng và các sản phẩm OcopP, các doanh nghiệp tại Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh nông sản.
Thảo Nguyên