Xuất hiện biến thể nguy hiểm nhất của Covid-19, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam ra sao?
XBB, biến thể phụ mới của chủng Omicron đang làm bùng lên làn sóng Covid-19 mới Singapore. Theo thống kê, chỉ riêng trong tuần qua, đất nước này đã ghi nhận trung bình 7.716 ca bệnh mỗi ngày, tăng mạnh so với mức 2.000 ca của tháng trước.
Theo dự báo của người đứng đầu ngành y tế Singapore thì làn sóng đại dịch lần này khả năng đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 11 với bình quân từ 15 đến 25 ngàn ca nhiễm mỗi ngày.
XBB là một biến thể phụ mới của Omicron, hay con gọi là chủng BA.2.10. Được phát hiện từ tháng 8/2022, XBB nay xuất hiện tại hơn 17 quốc gia, trong đó gồm Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ.
Một số chuyên gia nhận định XBB là biến chủng Omicron "tồi tệ nhất cho đến nay" bởi tốc độ lây lan nhanh chưa từng thấy và khả năng kháng các loại vắc xin hiện có trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, XBB chưa gây ra triệu chứng nặng hơn so với các biến chủng trước đó. Cho đến nay, phần lớn bệnh nhân ở Singapore tiếp tục cho biết các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau họng hoặc sốt nhẹ, đặc biệt là những đối tượng đã được tiêm vắc xin.
Với diễn biến mới của dịch cùng với sự xuất hiện biến thể phụ XBB được cảnh báo “tồi tệ nhất cho đến nay” lại bùng phát ở ngay trong khu vực Đông Nam Á, nhiều người lo ngại liệu có xâm nhập vào Việt Nam, gây làn sóng dịch mới?
Trả lời băn khoăn này với phóng viên Infonet, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, với biến chủng mới này Việt Nam “cần quan tâm” nhưng “không quan ngại”.
“Chúng ta không quá e ngại vì đây là biến chủng thường thôi. Thứ 2 khả năng nếu xâm nhập vào Việt Nam thì có thể tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19 lên 1 chút nhưng không tăng nguy cơ bệnh nặng nhiều, cũng không gây tử vong nhiều. Như vậy sẽ không gây quá tải bệnh viện”, PGS. TS Đỗ Văn Dũng bày tỏ.
PGS Dũng nhấn mạnh rằng biến chủng phụ mới không có gì đáng lo ngại dù nó có thay đổi nhưng không nhiều lắm, nó có thể kháng vắc xin- tức là người dân vẫn có thể mắc nhưng sau khi mắc xong, cơ thể đã có miễn dịch, tạo kháng thể mới chống lại nó.
“Do có kháng thể rồi nên khả năng lây lan cũng đã giảm nguy cơ, có thể bị nhiễm nhưng khả năng lây lan không cao, không nhiều ca tử vong. Ngay tại Singapore, chưa có ca tử vong, nên mình yên tâm”, PGS. TS Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.
Việc cần làm của nước ta lúc này theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng là cần tiếp tục thực hiện tốt những điều đã làm, khuyến khích nên làm bao gồm tăng cường vận động người dân tham gia tiêm chủng.
“Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng tăng cường truyền thông nguy cơ cho người dân và giám sát dịch tễ. Đối với người dân cần áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 mà Bộ Y tế đã từng khuyến cáo”, PGS. TS Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu dịch đến nay (18/10/2022), Việt Nam có 11.493.894 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.154 ca nhiễm).
Trên cả nước hiện đang có 55 ca mắc Covid-19 phải thở ôxy trong đó ngày 17/10 ghi nhận 1 ca tử vong tại Bình Thuận. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.158ac ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
N. Huyền