Trẻ khó thở, đau bụng, bất thường tâm lý hậu Covid-19
Bé N.M.H. (8 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) được ba mẹ đưa đi kiểm tra sức khoẻ vì bé thường xuyên thấy mệt, khó thở. Mẹ của bé H. cho biết con mắc Covid-19 hồi cuối tháng 3 sau đó con có biểu hiện như trên, gia đình đã cho con đi kiểm tra ở các nơi nhưng không ra bệnh gì.
Bé H. luôn lo lắng, mệt mỏi, sợ đi học. Cứ nói tới đi học là bé kêu đau bụng.
Nửa năm trời, ba mẹ của H. cho con chụp 4, 5 lần Xquang, cả CT phổi rồi nội soi dạ dày… đủ cả nhưng không tìm nguyên nhân. Còn bước cuối cùng là khám tâm lý. Bố mẹ H. sững sờ khi bác sĩ cho biết các triệu chứng của con đều do bất ổn tâm lý.
Theo thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện – chuyên gia tâm lý BV Nhi đồng TP.HCM trường hợp như bé H. không hiếm. Trong thời gian vừa qua anh đã tiếp nhận nhiều trẻ đến khám vì các triệu chứng như mệt mỏi, đau bụng, khó thở. Trẻ đã đi khám qua rất nhiều chuyên khoa khác nhau từ hô hấp tới tiêu hoá, phục hồi chức năng. Còn “bước cuối cùng” là bác sĩ đa khoa giới thiệu đi khám tâm lý.
Tiếp xúc với trẻ, bác sĩ thấy trẻ có các bất ổn tâm lý, rối loạn lo âu, hoảng loạn. Việc hoảng loạn dẫn tới trẻ thấy khó thở.
Theo chuyên gia Nguyễn Toàn Thiện, đại dịch Covid-19 được coi là sang chấn tập thể không chỉ ảnh hưởng tới người lớn, người già mà cả trẻ nhỏ. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng rối loạn sức khoẻ tâm thần như trầm cảm, lo âu, nguy cơ tự sát gia tăng đáng kể sau đại dịch. Người ta coi đó là làn sóng kéo dài dù dịch bệnh đã lắng xuống. Về tinh thần, thạc sĩ Thiện cho rằng con người ta vẫn bị hậu Covid-19 kéo dài.
Với trẻ nhỏ, theo thạc sĩ Thiện nhiều trẻ ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Trẻ học online thời gian dài, khi đi học lại cách thức học khác nhau nên nhiều trẻ có bất thường về tâm lý. Trẻ có cảm xúc lo lắng, trầm buồn, sợ hãi kéo dài. Có nhiều trẻ có suy nghĩ chán nản, mất hứng thú, không có cảm giác được yêu thương, cảm giác mình không có giá trị. Nhiều trẻ có hành vi cáu kỉnh, đập phá đồ đạc. Trẻ học hành sa sút, hay khóc, không thích tiếp xúc giao tiếp với người khác.
Vì vậy, nếu cha mẹ thấy trẻ có các bất thường như trên thì cần cho trẻ đi khám tâm lý sớm.
Theo cử nhân vật lý trị liệu Trần Hồ Thiên Phúc – Khoa Phục hồi chức năng, BV Nhi đồng TP.HCM, dù dịch Covid-19 đã qua được vài tháng, cuộc sống trở lại bình thường nhưng vẫn còn trẻ còn có các di chứng hậu Covid-19 kéo dài. Có nhiều trẻ đến khám vì mệt mỏi, đau nhức người, khó thở.
Khi trẻ bị khó thở, cha mẹ hay bị nhầm với bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm phổi mãn, hen, lao… Phụ huynh cần cho con đi khám nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
Cả gia đình và cô giáo cần quan tâm đến trẻ hơn. Nên cho trẻ thư giãn, học cách kiểm soát hơi thở. Cho trẻ đứng dựa người vào tường hoặc tựa phía trước để trẻ lấy lại nhịp thở của mình. Không nên để trẻ phải học quá căng thẳng, làm bài tập quá tải.
K.Chi