Bảo vệ trẻ em Việt Nam khi độ tuổi dùng internet sớm hơn sau đại dịch Covid-19
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Đinh Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định internet và mạng xã hội có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 vừa qua toàn bộ việc học tập của trẻ được dịch chuyển sang môi trường mạng. Tuy nhiên, việc này cũng khiến trẻ sử dụng các thiết bị di động từ rất sớm, thay vì ở độ tuổi THCS phổ biến như trước kia, trong khi việc trang bị những kiến thức cho trẻ để được an toàn trên không gian mạng lại chưa theo kịp.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình quốc gia đầu tiên liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ trẻ em.
Chương trình tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm: Xây dựng hành lang pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cũng như trẻ tự nhận biết và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng như một loại vắc xin số; Triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng; Hoàn thiện các tổ chức có đủ năng lực để tham gia vào công tác bảo vệ trẻ trên môi trường mạng; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo bà Đinh Thị Kim Hoa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với 24 thành viên đến từ các đơn vị liên quan, trong đó có đại diện của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, đại diện của các nhà mạng, các tổ chức NGO tại Việt Nam liên quan đến công tác này.
“Chúng tôi cũng đã có các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, các Sở TT&TT. Hiện nay 100% các tỉnh, thành phố đã thiết lập đầu mối hỗ trợ công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hơn 50% các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cụ thể để triển khai Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ”, bà Kim Hoa nói.
Vừa qua Bộ TT&TT cũng đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quyết định về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có các yêu cầu kỹ thuật cơ bản nhất đối với giải pháp cần có.
Trong năm 2022, Bộ TT&TT dự kiến ban hành bộ tiêu chí đánh giá các thông tin liên quan đến giải pháp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, để phụ huynh có thể có thêm kiến thức trong việc đồng hành cùng trẻ.
Bà Jessie Li, Quản lý các vấn đề an toàn cho người dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta, khẳng định, Meta hết sức chú trọng vào sự an toàn của người dùng, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. Trên góc độ toàn cầu, Meta có đội ngũ hơn 14 nghìn nhân viên chuyên trách về các vấn đề an ninh và an toàn cho người dùng. Từ năm 2016 đến nay Meta đã đầu tư hơn 13 tỷ USD cho công tác này.
“Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác để tăng cường tính an toàn trên internet. Thứ nhất, chúng tôi có tiêu chuẩn cộng đồng quy định những hành vi được phép và không được phép thực hiện trên nền tảng của mình. Ngoài ra chúng tôi có quy định về nội dung có thể phù hợp với người trưởng thành, nhưng với trẻ em hay thanh thiếu niên dưới 18 tuổi thì cần bổ sung thêm những hướng dẫn cụ thể hơn. Chúng tôi không cho phép những nội dung có nguy cơ bóc lột, hoặc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”, bà Jessie Li nói.
Đại diện Tập đoàn Meta cũng cho biết, Meta cũng có những quy định về nội dung được khuyến nghị, đi kèm với đó là những chính sách rất rõ ràng về nội dung nào được khuyến nghị dành cho trẻ em.
Một ví dụ cụ thể, nếu người dùng dưới 18 tuổi đăng ký tài khoản Instagram, Meta sẽ không cho phép hiển thị thông tin cá nhân một cách công khai, cũng như không cho phép hiển thị những nội dung không phù hợp trên bảng tin của người dùng ở độ tuổi này.
Tuân Nguyễn