Xử lý nghiêm bạo lực học đường để răn đe học sinh
Học sinh, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa ứng xử trong trường học là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường vẫn xuất hiện trong cơ sở giáo dục.
Theo cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục thì hiện nay một bộ phận học sinh chạy theo lối sống thực dụng, ứng xử chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, thích thể hiện sự nổi trội trước bạn bè. Có em nghiện trò chơi điện tử hoặc có hành vi bạo lực trên mạng xã hội, chạy theo lối sống ảo, truy cập những thông tin xấu, độc hại...
Các em có thể tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô tại trường học nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội lại thể hiện thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô.
Để giải quyết tình trạng này, nhà trường cũng cần phổ biến, trang bị kiến thức cho cả cán bộ, giảng viên lẫn học sinh, sinh viên về Luật An ninh mạng, kỹ năng lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kỹ năng ứng xử về văn hóa học đường.
Hành vi hành vi bạo lực học đường phải xử lý nghiêm để răn đe. |
Ngoài ra, mỗi nhà trường cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' vì đội ngũ nhà giáo phải thực sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách mới có thể có ảnh hưởng và tác động tốt tới học sinh.
“Mỗi trường nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử với những nội dung cụ thể, thực tế gắn với địa phương mình, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh trong việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường.
Ngoài ra, nếu cần thiết thì áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh để nâng cao tính răn đe đồng thời cũng có chính sách khen thưởng kip thời để động viên, khuyến khích đối với những học sinh, sinh viên thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử học đường”, cô Loan cho hay.
Hoàng Thanh